Những ngày vừa qua, nhiều người dân sống ở TP.HCM rất hoang mang về tình hình ô nhiễm không khí. Một số nơi ở TP xuất hiện các lớp sương mù dày đặc từ sáng đến chiều.
Theo kết quả của Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM thì nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở TP.HCM những ngày qua là do: cháy rừng từ Indonesia; Độ ẩm trong không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết để hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù; Do phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: “Có thể nói ô nhiễm không khí tại TP. HCM và Phía Nam Việt Nam từ ngày 18-9 đến nay ở mức rất cao ảnh hưởng đến sức khỏe người dân là do 3 nguyên nhân chính: Nguyên nhân cháy rừng từ Indonesia, chất ô nhiễm bị gió thổi sang TP. HCM và phía Nam Việt Nam; Độ ẩm trong không khí cao (hiện nay mưa nhẹ nên độ ẩm rất cao 95%-100%) và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết để hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù.
Ngoài ra do trời không nắng nên không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt, làm cho các khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, thế là người dân phải hít khí ô nhiễm này; Do phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân"
PGS.TS Hồ Quốc Bằng nhấn mạnh: " Trong các nguyên nhân trên thì nguyên nhân chính là cháy rừng từ Indonesia, chất ô nhiễm bị gió thổi sang TP.HCM và phía Nam Việt Nam, vì bình thường vào cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật trước đây cho dù có xuất hiện sương mù, thì chất lượng không khí cũng không ô nhiễm nặng đến vậy. Vì cuối tuần nguyên nhân phát thải do hoạt động giao thông, công nghiệp là không cao vì giao thông và công nghiệp hoạt động thấp hơn ngày thường.
Ông giải thích thêm, Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu chạy mô hình mô phỏng truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí tại TP. HCM theo 2 chiều.
Cụ thể, ngày 18-9 có những đám cháy rừng lớn và trên diện rộng tại Indonesia, theo hướng gió và tốc độ gió sau 2-3 ngày các chất ô nhiễm này bay tới TP. HCM vì vậy ngày 20-9 nồng độ ô nhiễm không khí TP. HCM tăng cao đột biến. Cũng dùng mô hình chạy ngược lại xem thử ô nhiễm không khí vào ngày 22-9 do đâu ra, kết quả cho thấy rằng đi từ cháy rừng ở Indonesia.
Theo Nguyễn Châu (Pháp Luật TP.HCM)