Lực lượng công binh và nhân viên Trung tâm cấp cứu mỏ - Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam thường xuyên thực hiện công tác trinh sát nắm bắt tình hình thực tế địa chất trong đường lò để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường gây ảnh hưởng đến công tác cứu hộ - cứu nạn |
Trưa 18-11, tốp bảy người trong lúc làm việc thì hầm bất ngờ bị đổ sập, bốn người may mắn chạy thoát ra ngoài, ba người bị mắc kẹt bên trong và lực lượng chức năng đã đưa được thi thể anh Bùi Văn Thôn (36 tuổi, ở xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn) ra ngoài.
Từ lúc xảy ra sự cố sập hầm đến trưa 21-11, hơn 500 người thuộc lực lượng cứu hộ vẫn thay phiên nhau vào hầm đào bới tìm kiếm nạn nhân bị mất tích. Những thợ mỏ chuyên nghiệp thuộc Tập đoàn Than - khoáng sản VN đã được huy động đến hiện trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Minh Khải - trưởng phòng cứu hộ cứu nạn (Quân khu 3) - cho biết nơi công nhân làm việc cách cửa hầm khoảng 700m, tuy cửa vào chiều cao chỉ khoảng 2m và rộng 1,5m nhưng càng vào sâu đường hầm càng nhỏ, ngoằn ngoèo nên rất khó để huy động đông lực lượng cứu hộ vào hầm.
Trước đó, theo thông tin mà Tuổi Trẻ có được, vào năm 2014 khu vực hầm than vừa xảy ra sập đã bị tạm dừng hoạt động.
Đến tháng 5-2015 UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp phép hoạt động trở lại thì bất ngờ xảy ra sự cố. Hầm bị sập do công ty TNHH Tân Sơn (ở thôn Đồi, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc) làm chủ đầu tư.
Nhiều người dân sống gần khu vực này cho biết, khu vực xảy ra sập không chỉ thăm dò mà đã khai thác than được một thời gian dài. Người dân thường xuyên thấy xe tải và máy sàng than vào công trường.
Nhiều công nhân từng làm việc tại hầm than này thông tin do trong hầm chỉ chống dựng sơ sài nên nhiều người đã bỏ việc mà không dám làm tiếp.
|
Khẩn trương cứu hộ nạn nhân - Ảnh: Nam Trần |
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ sập hầm - Ảnh: Nam Trần |
Theo Mạnh Hùng - Q.Thế (Tuổi Trẻ)