Kể từ khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực (ngày 1-1-2020), việc chế tài, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng việc chỉ cấp chứng nhận đăng kiểm thời hạn 15 ngày đối với xe vi phạm nhưng chưa nộp phạt đã mang lại hiệu quả cao trong quá trình quản lý.
Tuy nhiên, quá trình phối hợp giữa các đơn vị liên quan vẫn tồn tại một số bất cập khi để xảy ra nhiều trường hợp dù chủ xe đã nộp phạt vi phạm giao thông nhưng vẫn bị chặn đăng kiểm.
Bất ngờ vì xe bị chặn đăng kiểm
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính từ đầu năm 2020 đến nay, có hơn 21.000 xe vi phạm giao thông đường bộ được các lực lượng tuần tra kiểm soát gửi thông báo đề nghị Cục Đăng kiểm công bố trên cơ sở dữ liệu đăng kiểm.
Thay vì trước đây các xe chưa đóng phạt vi phạm giao thông sẽ bị từ chối đăng kiểm thì theo quy định trong Nghị định 100/2019, các ô tô chưa hoàn tất việc đóng phạt vi phạm luật giao thông vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định. Tuy nhiên, giấy và tem này chỉ có hiệu lực trong 15 ngày.
Theo khảo sát của PV tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, nhiều trường hợp dù chủ xe đã hoàn thành việc nộp phạt vi phạm giao thông nhưng vẫn bị chặn đăng kiểm (chỉ được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định có hiệu lực trong 15 ngày). Điều này khiến các chủ xe vừa bất ngờ vừa bực bội và nhất thời không biết làm sao chứng minh mình đã hoàn thành việc nộp phạt.
Anh CTV (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Tháng 10 vừa qua tôi bị phạt nguội khi đi sai làn đường, sau đó tôi cũng đã nộp phạt. Tuy nhiên, lúc đi đăng kiểm thì vẫn bị báo là chưa đóng phạt lỗi vi phạm giao thông. Hóa đơn nộp phạt thì không mang theo nên thời hạn đăng kiểm chỉ có 15 ngày. Vậy là tôi phải đi đăng kiểm thêm lần nữa, rất bực bội vì phiền phức và mất thời gian”.
Bên cạnh đó, nhiều chủ xe không biết mình bị phạt nguội vào thời điểm nào nên khi bị chặn đăng kiểm chủ xe rất bỡ ngỡ, thậm chí có nhiều trường hợp đã xảy ra tranh cãi. Tới khi đăng kiểm viên thông tin về lỗi vi phạm giao thông được lực lượng chức năng cung cấp thì chủ xe mới ngậm ngùi chấp nhận và đi nộp phạt.
Dữ liệu cập nhật chậm
Theo ông Trần Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 5003V - TP.HCM, lúc quy định này mới có hiệu lực thì số lượng xe bị chặn đăng kiểm rất nhiều do chưa đóng phạt lỗi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, gần đây số lượng này bắt đầu giảm.
“Một tháng tại trung tâm của chúng tôi có khoảng 10-15 xe bị chặn đăng kiểm. Có thể do công an gửi giấy báo phạt nguội bằng các đường khác nhau và chậm tới tay người dân” - ông Chủ cho biết.
Ông Chủ chia sẻ thêm, cũng có những trường hợp người dân đã đóng phạt nhưng phía công an chưa cập nhật dữ liệu nên chưa gửi đến Cục Đăng kiểm và chưa xóa được cảnh báo. Trường hợp này các trung tâm đăng kiểm vẫn phải áp dụng quy định chặn đăng kiểm.
Trường hợp người dân cung cấp được các giấy tờ, biên lai nộp phạt chứng minh đã hoàn thành việc đóng phạt thì trung tâm đăng kiểm sẽ giữ các giấy tờ lại và kiểm định theo quy định cho chủ xe. Sau đó, trung tâm thay mặt chủ xe gửi các hồ sơ chứng minh đã đóng tiền vi phạm hành chính tới Cục Đăng kiểm và cập nhật để xóa cảnh báo đối với xe đó.
Theo ông Chủ, số lượng chủ xe bị dữ liệu chưa cập nhật kịp thời nhiều hơn số lượng người dân không biết mình bị phạt nguội do lỗi vi phạm giao thông. “Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi đi đăng kiểm, các trung tâm đăng kiểm hiện nay đã xử lý linh hoạt hơn” - ông Chủ nói.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết: Theo quy trình hiện nay, sau khi chủ xe hoàn thành thực hiện các chế tài xử lý vi phạm hành chính, chủ xe có thể đưa xe cùng các giấy tờ chứng minh nộp phạt đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định ngay. Các trung tâm đăng kiểm, cơ quan xử lý vi phạm hành chính sẽ gửi giấy tờ về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xóa cảnh báo trong cơ sở dữ liệu.
“Từ đầu năm 2020 đến nay, có tới 21.099 trường hợp xe vi phạm giao thông được cơ quan chức năng gửi thông báo đề nghị Cục Đăng kiểm thông báo trên cơ sở dữ liệu đăng kiểm (trong khi đó năm 2019 chỉ có 6.000 trường hợp). Số liệu này có sự gia tăng lớn là do Nghị định 100/2019 được áp dụng” - ông Phương cho biết.
Trước khi Nghị định 100/2019 được áp dụng, cơ quan đăng kiểm có quyền từ chối kiểm định đối với một số trường hợp chưa nộp phạt vi phạm giao thông. Cụ thể, khoản 6 Điều 4 của Thông tư 70/2015 quy định Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ từ chối đăng kiểm đối với các trường hợp có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, hoặc xe vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định...
Theo Thy Nhung (Pháp Luật TPHCM)