Đà Nẵng tính phương án phát phiếu, mỗi hộ dân chỉ được đi chợ 10 lần/tháng

10/08/2020 19:48:33

Sở Công Thương Đà Nẵng đang đề xuất lãnh đạo thành phố này phát phiếu quy định số ngày mỗi hộ dân được đi chợ hàng tháng, để hạn chế người ra đường trong dịch Covid-19.

Chiều 10/8, ông Nguyễn Hà Bắc - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, xác nhận đã trình lên UBND thành phố phương án đề xuất mỗi hộ gia đình đi chợ 3 ngày một lần, mỗi tháng đi chợ không quá 10 lần. Dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện từ 15/8.

Theo phương án trên, UBND các phường, xã sẽ in "phiếu vào chợ" màu sắc khác nhau theo ngày, phát cho các hộ dân; chỉ người có phiếu mới được vào chợ. Phiếu vào chợ chỉ có giá trị sử dụng một lần/ngày/chợ và các ban quản lý chợ có trách nhiệm lưu phiếu theo ngày để phục vụ cho quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết.

Theo ông Bắc, tại một số cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, lãnh đạo thành phố lo ngại khi nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 có lịch trình đi lại dày đặc, trong đó nhiều người đi chợ nhiều lần và rủ thêm người thân nên cần có biện pháp hạn chế. Do đó, mục đích việc phát phiếu là để tránh tình trạng người dân đi chợ nhiều lần mỗi ngày.

Đà Nẵng tính phương án phát phiếu, mỗi hộ dân chỉ được đi chợ 10 lần/tháng
Người dân đi mua thực phẩm ở một cửa hàng tại quận Hải Châu, Đà Nẵng

Do đó, Sở Công Thương đưa ra quy định này với mong muốn người dân sẽ ý thức hơn về việc chỉ ra ngoài khi có nhu cầu cần thiết, đồng thời lên kế hoạch đi chợ mua thức ăn cho nhiều ngày sau.

"Thành phố đang chống dịch và thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 nên muốn hạn chế tối đa người dân ra ngoài", Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, chia sẻ.

"Đà Nẵng đang là tâm dịch. Việc giãn cách ở chợ nhiều khi không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ lây lan Covid-19. Thành phố đang nỗ lực chống dịch và thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 nên muốn hạn chế tối đa người dân ra ngoài. Nếu quy định này được thực hiện, hy vọng người dân sẽ tránh được việc tập trung đông người không đáng có", ông Bắc, thông tin.

Đồng tình với phương án đề xuất này, ông Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiện Đông (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ, khi đưa ra quy định trên, thành phố cần tính đến phương án và có quy định với người đi siêu thị; tránh tình trạng không được vào chợ, người dân lại đổ vào các siêu thị mua sắm.

"Thành phố nên quy định thống nhất về mẫu, màu sắc các phiếu để tạo điều kiện cho người dân không đi chợ ở nơi này hoặc mặt hàng tại chợ đó không có, thì ghé chợ nơi khác mua", ông Hải, kiến nghị.

Được biết, hiện phường Nại Hiên Đông cũng đã lập các chốt kiểm soát mềm ở khu vực ra vào chợ trên địa bàn, có lực lượng chức năng đo thân nhiệt và yêu cầu người vào chợ phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay.

Đà Nẵng tính phương án phát phiếu, mỗi hộ dân chỉ được đi chợ 10 lần/tháng - 1
Bảo vệ chợ Hàn (Đà Nẵng) kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu người dân sát khuẩn trước khi vào chợ

Liên quan đến phương án phát phiếu đi chợ này, trong buổi đến làm việc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng sáng 10/8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, hôm qua một mình ông đánh xe đi quanh thành phố trong nhiều thời điểm để khảo sát tình hình người dân thành phố thực hiện Chỉ thị 16.

"Mới chỉ tàm tạm thôi chưa tốt lắm vì có lúc vắng, có lúc đông. Đặc biệt, hiện nay việc họp chợ đông quá, ở chợ tương đối phức tạp nên tôi đã yêu cầu Sở Công thương làm thế nào để người dân 2-3 ngày đi chợ một lần nên mới nghĩ ra phương pháp đi chợ chẵn lẻ, phát phiếu để hạn chế đến chợ", ông Thơ nói.

Đà Nẵng tính phương án phát phiếu, mỗi hộ dân chỉ được đi chợ 10 lần/tháng - 2
Phương án phát phiếu nhằm tránh tình trạng người dân đi chợ nhiều lần mỗi ngày trong tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng đang diễn biến phức tạp

Chủ tịch Đà Nẵng cho biết thêm, hiện thành phố đang nghĩ đến các biện pháp quản lý để siết chặt việc người dân chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết chứ chưa tính đến việc phong tỏa cả thành phố. Tuy nhiên, ông Thơ cũng khuyến cáo trong những ngày tới, nếu tình hình khác đi thì sẽ tiếp tục các biện pháp mạnh hơn nữa.

"Bà con nhân dân phải chấp hành thật tốt việc cách ly xã hội, đồng thời phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nếu có diễn biến xấu có thể thực hiện phong tỏa. Vì hiện nay, một số quận cục bộ phong tỏa rồi thì phải tính đến chuyện toàn bộ thành phố phải đóng hết lại, nhưng phải tính toán thực sự chính xác", ông Thơ, nói.

Theo Hà Nam (Nhịp Sống Việt)