Tối 5/7, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cho biết kết quả phân tích mẫu nước biển tại các bãi tắm khu vực từ quận Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn do Trung tâm quan trắc thực hiện cho thấy các thông số chất lượng nước biển đều nằm dưới ngưỡng cho phép.
"Theo kết quả khảo sát thực tế, khu vực biển này xuất hiện sứa lửa rất nhiều. Nguyên nhân người dân và du khách cảm thấy ngứa và nổi mẩn đỏ sau khi tắm biển đang nghiêng về nguyên nhân do sứa lửa gây ra", ông Nam nói và cho hay sứa phát triển mạnh từ tháng tư đến tháng tám hàng năm, trời càng nắng thì càng nhiều.
Theo ông Nam, vùng biển từ Cát Bà (Hải Phòng) đến Đà Nẵng, Phú Yên,... đều ghi nhận tình trạng người dân đi tắm về bị ngứa, nổi mẩn đỏ. Sứa thuộc lớp nhuyễn thể, rất nhạy cảm với môi trường sống nên chỉ vùng biển nào sạch sứa mới ở được.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng phản bác ý kiến cho rằng chưa hẳn do sứa gây ra mà có thể do động vật phù du hoặc nước biển ô nhiễm.
Nhà chức trách Đà Nẵng đang phân tích mẫu nước theo hướng nghi ngờ có tảo, động vật phù du. Để có kết quả chính xác, Đà Nẵng đã gửi mẫu nước ra phân tích tại Trung tâm nghiên cứu ở Huế, và Viện Hải dương học Nha Trang.
"Nếu kết quả phân tích có động vật phù du hoặc tảo độc, chúng tôi sẽ công bố công người dân biết", ông Nam khẳng định.
Lý giải việc đã ghi nhận tình trạng người dân tắm biển khoảng 10 ngày nay có biểu hiện ngứa da, nổi mẩn đỏ nhưng cơ quan chức năng không cắm biển cảnh báo, ông Nam nói sứa bơi qua để lại nọc độc nên rất khó khoanh vùng. Có thể hôm nay người dân tắm ở khu vực biển này bị ngứa, nhưng mai lại không
"Khó khoanh vùng cụ thể nên chúng tôi không cắm biển cảnh báo. Nhưng có thể khẳng định, nếu nước biển ô nhiễm thì không chỉ người bị nổi mẩn đỏ sau khi tắm, mà cá cũng sẽ chết nổi lên rồi", ông nói thêm.
Khoảng 10 ngày nay, nhiều người dân và du khách phản ánh bị ngứa khắp người khi tắm tại các bãi biển Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, T20 (quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn). Sau khi tắm biển, có người bị nổi mẩn đỏ khắp cơ thể, phải đi khám da liễu.
Trung tâm quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường trong ngày 4/7 đã lấy mẫu phân tích chất lượng nước biển. Việc lấy mẫu nước được thực hiện liên tiếp trong vòng 5 ngày để kiểm tra các thông số chất lượng nước biển như pH, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu oxy hoá học (COD), Amoni, dầu mỡ và Coliforms; cơ quan chuyên môn cũng sẽ bổ sung phân tích các chỉ tiêu sinh học.
Điều trị trong tình huống bị ngứa, nổi mẩn do sứa gây ra, các bác sĩ khuyên người dân nên rửa vết thương bằng nước giấm hoặc chanh để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt hay chườm nóng để giảm ngứa, chườm lạnh để giảm đau nhức. Tuy nhiên trong những tình huống có biểu hiện khác thường, người bị ngứa cần đưa đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời.
Theo Nguyễn Đông (VnExpress.net)