Tối 28/9, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hôm nay thành phố chỉ ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 mới, đều là các trường hợp F1 đã cách ly trước đó và không có ca cộng đồng.
Cùng ngày, ngành y tế cũng cho 46 bệnh nhân khỏi Covid-19 được xuất viện. 24h qua, có thêm 2 bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tử vong, cộng dồn từ đầu năm 2021 đến nay, có 72 trường hợp tử vong.
Hiện các bệnh viện đang điều trị cho 419 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 10 ca bệnh nặng.
Toàn thành phố đang có 10 điểm phong tỏa cứng (vùng đỏ) với 424 hộ (1.421 nhân khẩu), trong đó quận Hải Châu 7 điểm với 326 hộ (1.104 nhân khẩu), quận Liên Chiểu 3 điểm với 98 hộ (317 nhân khẩu).
Tính đến nay, Đà Nẵng đã tiêm gần 800.000 liều vắc xin phòng Covid-19, chiếm tỷ lệ 81% người trong độ tuổi được tiêm.
Tín hiệu lạc quan là trên địa bàn Đà Nẵng có 49/56 phường, xã không phát sinh ca mắc Covid-19 trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp (vùng xanh).
Đặc biệt, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 chiều tối 28/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, từ 0 giờ ngày 30/9, Đà Nẵng sẽ mở lại một số hoạt động cơ bản để phục vụ người dân. Hiện, thành phố đang chờ hướng dẫn cụ thể của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 nên sẽ ban hành các hướng dẫn tạm thời để bảo đảm các hoạt động an toàn trong trạng thái mới.
Cụ thể, có 7 nhóm hoạt động chưa được phép trở lại và 8 nhóm sẽ được hoạt động trở lại nhưng kèm theo các điều kiện nhất định về phòng, chống dịch.
Hướng dẫn mới cũng sẽ quy định rõ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi mở lại các hoạt động phải kèm theo các phương án phòng, chống dịch an toàn. Người dân khi tham gia các hoạt động đó cũng phải đảm bảo các điều kiện như thực hiện 5K, mỗi người dân có một mã QR để sử dụng tại những nơi công cộng.
Ông Quảng cũng đề nghị các địa phương, ngành công an kiểm soát chặt đường mòn, lối mở. Các chốt kiểm soát ra, vào thành phố không để xảy ra tình trạng ùn tắc, nếu có phải tổ chức giãn cách kịp thời.
Tại cuộc họp, lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu các địa phương rà soát lại các khu cách ly tập trung trả lại cho các trường học. Đồng thời, ngành Giáo dục khẩn trương xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể khi mở lại việc dạy và học và phối hợp với ngành y tế chủ động kế hoạch, tăng cường thêm nhân lực tại các chốt kiểm soát để đón học sinh, giáo viên, người nhà về thành phố; kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Ngoài ra, đề nghị ngành y tế cần khẩn trương xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà đối với những gia đình có đủ điều kiện. Riêng các khu dân cư đông dân, khu chung cư, kiệt hẻm thì phải thực hiện cách ly tập trung.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)