"Tinh thần là không tiếp nhận công chức ở địa phương khác xin chuyển về cơ quan hành chính Đà Nẵng, nhưng thi tuyển vào thì được", Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng giải thích. |
Sở Nội vụ Đà Nẵng vừa có văn bản hướng dẫn việc không tiếp nhận công chức, viên chức ngoài thành phố về làm việc tại cơ quan hành chính của TP Đà Nẵng.
Sau khi báo chí đăng tải văn bản trên, nhiều người cho rằng Đà Nẵng kỳ thị với người ngoại tỉnh để ưu ái người địa phương. Ông Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, có cuộc trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
Ngăn chặn "chạy việc"
- Ông có thể nói rõ hơn về công văn không tiếp nhận người ngoài thành phố về làm việc ở cơ quan hành chính của Đà Nẵng?
Thời gian qua, việc tiếp nhận công chức, viên chức ngoài thành phố chưa có hướng dẫn đầy đủ, do vậy có hiện tượng “chạy việc” vào cơ quan hành chính. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn về việc này để thực hiện công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận công chức, viên chức vào các cơ quan của thành phố.
Việc tiếp nhận công chức, viên chức ngoài thành phố về các đơn vị sự nghiệp công lập tiến hành theo quy trình công khai, đúng trình tự quy định của pháp luật về quản lý công chức, viên chức. Riêng đối với các cơ quan hành chính, hiện nay, số người làm việc đã vượt biên chế Bộ Nội vụ giao cho thành phố.
Do vậy, thành phố đã chỉ đạo tạm thời không tiếp nhận công chức ngoài thành phố, không thực hiện hợp đồng lao động mới, thực hiện tinh giản biên chế, để giảm số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính về đúng chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao.
Từ vấn đề nêu trên, tạm thời thành phố không tiếp nhận công chức, viên chức đang công tác ở các tỉnh, thành khác chuyển công tác về các cơ quan hành chính thuộc thành phố quản lý.
Không "cấm cửa" người ngoài thành
- Sau khi ban hành văn bản trên, dư luận cho rằng Đà Nẵng có tư tưởng cục bộ, phân biệt và mâu thuẫn với chính sách thu hút nhân tài của TP Đà Nẵng lâu nay. Ông nghĩ gì về điều này?
Đà Nẵng không cấm cửa với người ngoài thành phố, mà chủ trương này nhằm mục đích giảm số lượng người trong khu vực hành chính đối với các cơ quan tiếp nhận. Đồng thời, tạo cơ hội cho người ngoài thành phố cũng như trong thành phố có thể dự tuyển, thi tuyển một cách công khai, minh bạch.
Đà Nẵng đã và đang triển khai việc thi tuyển công chức, viên chức ở một số đơn vị. Cuối tháng 12, sẽ có kỳ thi tuyển công chức cấp thành phố, người ngoài thành phố vẫn có thể nộp hồ sơ vào. Hiện nay chúng tôi đã nhận được rất nhiều hồ sơ của người ngoài thành phố dự thi vào cơ quan hành chính.
Mới đây nhà Trưng bày Hoàng Sa tuyển 10 người, toàn người ngoài thành phố, trong đó có một tiến sĩ, 2 thạc sĩ. Các em là người tỉnh thành khác đến, nếu học giỏi thì nộp đơn thi tuyển. Ở đây không có sự phân biệt đối với người ngoài thành phố như một số người lo ngại.
Tinh thần của văn bản là không tiếp nhận công chức ở địa phương khác về cơ quan hành chính Đà Nẵng. Ví dụ, khi ra trường anh thi tuyển công chức ở Đà Nẵng không được nên xin làm việc, rồi vào biên chế ở một huyện nào đó của tỉnh khác. Sau đó, thông qua mối quan hệ hay bằng cách nào đó, anh xin chuyển về cơ quan hành chính ở Đà Nẵng. Điều này là không được. Anh phải thi tuyển lại từ đầu nếu muốn làm việc tại cơ quan hành chính ở Đà Nẵng.
- Người dân lo ngại trong quá trình tinh giảm biên chế sẽ xảy ra tình trạng những người có mối quan hệ, tiền bạc "chạy chọt cửa sau" thì được ở lại. Đà Nẵng sẽ làm gì để hạn chế tình trạng trên?
Ở Đà Nẵng chưa phát hiện tình trạng trên nhưng tại một số địa phương khác thì đã có thông tin một ai đó "chạy chọt" để được ở lại những vị trí tốt hơn. Những thông tin này dù chỉ là đồn đoán nhưng tạo dư luận xấu. Do đó, Đà Nẵng đã và đang tiến tới việc thi tuyển công khai để minh bạch hóa công tác tuyển dụng.
Những người có tài, đáp ứng các yêu cầu thì đều được tham dự thi tuyển. Việc thi tuyển như thế này sẽ hạn chế tình trạng "chạy chọt" để vào làm việc ở các cơ quan Nhà nước.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Đoàn Nguyên - Giáp Hồ (Tri Thức Trực Tuyến)