Ngày 23.4, thông tin với Dân Việt, ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho hay, đến hôm nay, địa phương này vẫn chưa nhận được lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Công an quận 4 (TP.HCM) đối với ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Đà Nẵng.
"Đến nay phường chưa nhận được bất cứ quyết định hay lệnh gì của công an quận 4. Chúng tôi chỉ biết vụ ông Linh qua báo chí và mạng xã hội. Mọi thông tin về ông Linh đề nghị anh (PV) liên hệ với công an quận 4 để biết", ông Sơn nói.
Liên quan đến vụ việc, thông tin với PV Dân Việt, đại diện Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết, đến ngày 22.4, ông Nguyễn Hữu Linh không có mặt ở địa phương.
“Sau khi xuất hiện clip ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ với bé gái ở trong thang máy, đến nay, ông này không có mặt ở địa phương. Vào thời điểm cơ quan Công an TP.HCM tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, có lệnh cấm khỏi nơi đi cư trú, ông này cũng không có mặt ở nhà riêng (số 30 Lê Lợi, phường Thạch Thang, Hải Châu - PV)”, vị này nói.
Viện KSND quận 4 (TP.HCM) đã phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Linh (SN 1958), nguyên Viện phó Viện KSND TP.Đà Nẵng về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, đối tượng này cũng bị cấm đi khỏi nơi cư trú sau khi quyết định có hiệu lực. Trước đó, một ngày, Cơ quan CSĐT Công an quận 4 đã ban hành các quyết định trên và chuyển hồ sơ cho Viện KSND quận 4 phê chuẩn theo thủ tục tố tụng.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Sương (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho hay, nếu cơ quan điều tra đã làm các thủ tục tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì ông Nguyễn Hữu Linh đã thành bị can và phải chấp hành lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo luật sư Nguyễn Sương, trong Bộ luật tố tụng Hình sự, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ.
Ngoài ra, người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú (ở đây là công an quận 4-PV) phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội đó để quản lý, theo dõi họ.
Tuy nhiên, luật sư Sương cho hay, dựa vào Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi 2013 và Nghị định 31/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Cư trú, nơi cư trú là chỗ ở hợp pháp mà công dân thường xuyên sinh sống, là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Theo Đình Thiên (Dân Việt)