Trưởng ban Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương - ông Nguyễn Quốc Triệu - cho biết, dù đã hết sức cố chạy chữa, để nâng cao thể trạng, kéo dài sự sống, nhưng ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương - đã ngừng tim đúng 12h15 trưa 13.2 tại khoa Ung bướu BV Đà Nẵng.
Ngay thời điểm này, tất cả các ngả đường dẫn đến nhà ông Nguyễn Bá Thanh đều đã được cơ quan công an phong toả, cấm tất cả các loại phương tiện. Tuy vậy, điều này không ngăn được dòng người đi bộ đang ngày càng đông đến trước nhà ông để viếng vọng từ bên ngoài.
Chị Phú (trú phường Hoà Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) đi cùng con trai 7 tuổi, khóc nức nở hơn 1 tiếng đồng hồ kể từ lúc chị đến trước cổng nhà ông Thanh. “Tôi mong muốn gặp ông Thanh, nhưng không biết tình hình sức khoẻ ông như thế nào mà đưa về nhà” - chị Phú bày tỏ. Em Lê Thị Liên (sinh viên năm thứ 3 Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng) dù đã nghỉ tết tại quê nhà tại Quảng Nam, nhưng nghe tin ông Thanh bệnh nặng vừa được đưa về nhà, Liên đã chạy xe máy hơn 30km đến trước cổng nhà ông Nguyễn Bá Thanh, để hỏi han tình hình. Liên cho biết, cô rất quý trọng ông Nguyễn Bá Thanh vì những gì ông đã làm cho thành phố Đà Nẵng. Người nhà của Liên đã được điều trị tại BV Ung bướu, bệnh viện này được hình thành từ ý tưởng ban đầu của ông Nguyễn Bá Thanh.
Ông Nguyễn Đức Thắm (38 tuổi - trú tại Q.Cẩm Lệ) cũng đưa theo đứa con gái 6 tuổi đến trước nhà ông Nguyễn Bá Thanh đã hơn 2 tiếng đồng hồ. Ông Thắm nói: “Tôi rất yêu quý ông Nguyễn Bá Thanh, thời gian qua tôi liên tục theo dõi tình hình của ông. Chiều 12.2, đọc báo thấy tin ông Thanh yếu, sáng ra lại thấy thông tin ông Thanh được đưa về nhà nên tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy đến nhà ông Thanh để xem tình hình. Buổi chiều tôi sẽ trở lại sau giờ làm để tiếp tục theo dõi tình hình”…
Dù không được vào sân nhà để thăm viếng ông Nguyễn Bá Thanh, nhưng từng đoàn người từ các ngả đường TP đã đổ về đây, sắp hàng để viếng vọng. Tất cả trong một không khí trật tự, yên ắng đến lạ lùng. Chúng tôi chạy vòng quanh TP, cảm giác như không khí tưng từng đón xuân chợt không còn nữa. Ngay đường hoa với kỷ lục “bản đồ Việt Nam bằng hoa lớn nhất” trên phố Trần Hưng Đạo, ven sông Hàn cũng tự động dừng việc khai mạc rầm rộ. Khắp các nẻo đường, góc phố, cây cầu… đâu đâu cũng có dấu ấn của ông Thanh. Bởi vậy, dù là người yêu quý, sùng bái, hay kẻ không yêu quý ông Thanh cũng chạnh lòng, hẫng hụt trước tin dữ này.
Quê nhà Hoà Tiến đang chờ đón ông Thanh
Chiều 13.2, tại xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang - nơi sinh ra và lớn lên của ông Nguyễn Bá Thanh - thấm đượm một màu buồn. Người dân ai ai cũng dáo dác trước tin ông Thanh qua đời. Tại nhà thờ tộc Nguyễn Bá - nơi xưa kia là ngôi nhà ông Thanh sinh ra và lớn lên - vắng vẻ.
Ông Lê Đình Ngộ (72 tuổi, người dân nhà cạnh nhà ông Thanh, gặp chúng tôi khi đang làm ruộng trên đồng) nức nở: “Ông Thanh mất rồi, trời ơi! Người dân nơi đây ai ai cũng ước nguyện, cầu cho ông được khoẻ mạnh kể từ lúc ở Mỹ về. Tất cả vô nghĩa, ngày nào tôi cũng khấn vái ông bà, tổ tiên, cầu cho ông ấy khoẻ mạnh, nhưng…”. Bên cạnh đó, ông Ngộ cũng than thở, người dân nơi đây, họ yêu mến ông Thanh từ nụ cười, ánh mắt, và đặc biệt là giọng nói. Tết năm nào ông cũng về đây để lì xì, mừng tuổi bà con, họ hàng đến tất cả hàng xóm, nhưng nay thì hết gặp được ông rồi
Chị Thái Thị Thu (54 tuổi, người bà con cô cậu với ông Thanh) vừa nói vừa mếu máo: “Biết sao bây giờ, bác mất rồi. Tôi xuống Đà Nẵng nhiều lần nhưng không vào gặp được bác, giờ chỉ có mình tôi ở nhà trông ngóng, con cái, cháu chắt gì xuống hết nhà bác Thanh cả. Tôi vừa mới qua nhà thờ tộc thắp nhang, khấn vái về đây…”. Còn chị Nguyễn Thị Bích Lượm (30 tuổi, cháu gọi ông Thanh bằng bác) thì nức nở: “Tôi vừa từ nhà bác Thanh về đây. Tôi nhìn thấy được bác rồi, nhưng bác đã mất, không khí bên trong đau buồn vô cùng. Vợ bác Thanh thì tiều tuỵ, khóc suốt”.
Nhiều người dân xã Hoà Tiến đều có chung tâm trạng khi hay tin ông Thanh qua đời. Họ u buồn, ủ rũ, họ tụm lại một nhà vài người, rồi trò chuyện. Và tất cả đều nói về ông Thanh. Tất cả cảm tình, cho đến những tôn trọng, quý mến ông Thanh. Nhiều người cho rằng: “Chúng tôi yêu ông Thanh từ giọng nói đậm nét quê hương, đến tính tình thẳng thắn, trung thực. Đặc biệt, năm nào, hễ ai hay tin bác về quê là bỏ hết việc làm, ở nhà đón bác về, để đợi nghe bác nói, chia sẻ với bà con. Năm nào tết đến bác cũng lì xì cho bà con hàng xóm nơi đây để mừng tuổi mới.