Đà Lạt: "Cò" đặc sản lộng hành

07/06/2017 09:34:00

Hình ảnh một Đà Lạt thân thiện đã trở nên xa lạ khi tình trạng "cò" du lịch ngày một nhiều, luôn chèo kéo, thậm chí hành hung du khách.

Hình ảnh một Đà Lạt thân thiện đã trở nên xa lạ khi tình trạng "cò" du lịch ngày một nhiều, luôn chèo kéo, thậm chí hành hung du khách.

Không mua là... ăn đòn

Ngoài vụ việc trên, Công an TP Đà Lạt cũng đang xem xét xử lý vụ "cò" đặc sản tên là Đào Bá Lộc (24 tuổi, ngụ phường 6, TP Đà Lạt) hành hung anh Nguyễn Như Vĩnh, bảo vệ khu du lịch (KDL) Thung lũng Tình Yêu vào chiều 27-4. Theo tường trình của tổ bảo vệ KDL Thung lũng Tình Yêu, Lộc là tiếp thị của cửa hàng đặc sản B.N (phường 8, TP Đà Lạt). Lộc tự ý đưa nhóm khách vào KDL thì bị anh Vĩnh ngăn lại, yêu cầu mua vé vào cổng nên Lộc gây sự. Khi anh Vĩnh đi ra ngoài thì bị Lộc chặn đánh. Tiếp tay cho Lộc còn có một số "cò" khác đã làm anh Vĩnh bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Đà Lạt: Cò đặc sản lộng hành - Ảnh 1.

“Cò” du lịch mồi chài du khách mua đặc sản khi vừa đến Đà Lạt

Ông Nguyễn Cường Dũng, Phó Giám đốc KDL Thung lũng Tình Yêu - Mộng Mơ, bức xúc: "Hằng ngày, tại cổng phụ của KDL có gần 20 đối tượng là các "cò" mứt, đặc sản trái cây tụ tập chèo kéo du khách, gây phiền hà và làm xấu đi hình ảnh du lịch Đà Lạt. Tại nhiều cuộc họp của ngành, tôi đã nêu vấn đề này nhưng chưa thấy cơ quan chức năng ngăn chặn hiệu quả".

Còn anh Nguyễn Văn Tạo (34 tuổi), chủ một nhà xe du lịch ở huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, thường xuyên đưa tour đi du lịch Đà Lạt cũng bức xúc vì bị "cò" lừa mua hàng. Cuối tháng 5 vừa qua, anh Tạo đưa đoàn khách 30 người gồm học sinh và giáo viên nghỉ hè tham quan TP Đà Lạt. Khi xe vừa đến trước cổng vườn hoa TP thì ngay lập tức có một nhóm người đi xe máy tiếp cận mời chào mua đặc sản tại một cơ sở trên đường Nguyên Tử Lực với giá dâu tây tại vườn chỉ 20.000 đồng/kg.

Tại đây, chủ cơ sở yêu cầu du khách phải mua hàng rồi mới cho người đưa đi tham quan, mua dâu tại vườn. "Sau khi nhiều người mua đặc sản tại đây, chủ cơ sở cho 2 thanh niên đi xe máy đưa khách đi lòng vòng đến một vườn… rau xà lách rồi lao xe máy đi mất hút, bỏ mặc đoàn khách" - anh Tạo bức xúc.

Toàn bán hàng Trung Quốc

Theo quan sát của phóng viên trong 4 ngày qua, tại các điểm "cò" thường xuyên tập kết là Vườn hoa thành phố và các trục đường Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực, Trần Quốc Toản, Phù Đổng Thiên Vương... Mỗi nơi có gần chục "cò" (độ tuổi từ 15-40) lượn lờ để tìm con mồi. Trong vai sinh viên đang kiếm việc làm, chúng tôi tiếp cận được "cò" H.V.Đ (35 tuổi) cho theo nhóm giới thiệu hàng đặc sản cho một cơ sở ở đường Mai Anh Đào.

Đ. cho biết đã làm nghề này hơn 6 năm. Nghề này không nặng nhọc gì nhưng phải có máu liều. Mời được càng nhiều khách thì tiền ăn chia càng nhiều. Đặc biệt phải phân chia rành rọt địa bàn làm ăn để tránh va chạm, đánh nhau với những nhóm "cò" khác. Thời gian trước thuận lợi, mỗi ngày có thể kiếm được vài triệu đồng.

Nhiệm vụ chính mà Đ. giao cho chúng tôi là dùng xe máy rảo trên đường tìm khách hàng nhẹ dạ, cả tin để chào mời. "Nếu khách từ chối thì cần phải kiên trì bám theo. Tiếp đó đưa thêm danh thiếp để tạo niềm tin. Nếu khách vẫn cứng đầu thì…" - Đ. trợn mắt để chúng tôi ngầm hiểu là phải dọa. "Thường mới vào làm như các chú chưa có kinh nghiệm chỉ hưởng 20%-30% số tiền lời chủ tiệm bán được. Còn như anh hiện nay được chủ trả 45%, cuối tháng còn được "bo" thêm" - "cò" Đ. động viên.

Tìm hiểu về tiền chi hoa hồng cho "cò", chị M.L, một người từng bán hàng cho quầy đặc sản trên đường Phù Đổng Thiên Vương (phường 8, TP Đà Lạt), tiết lộ: Các loại "đặc sản Đà Lạt" được bán ở nhiều quầy hàng phần lớn được nhập từ Trung Quốc với giá rất rẻ. Hàng nhập về, chủ quầy sẽ cho nhân viên đóng vào từng gói nhỏ, dán thêm mác "đặc sản Đà Lạt" và bán giá cao. "Do siêu lợi nhuận nên các quầy luôn có sự cạnh tranh với nhau bằng cách chi hoa hồng cho "cò" thật cao để họ đưa khách tới mua hàng" - chị L. nói. 

Mạnh tay kiểm tra, xử lý

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn chỉ đạo Công an tỉnh Lâm Đồng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương và UBND các huyện, TP tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm nạn "cò" du lịch trên địa bàn.

Công văn nêu rõ thời gian qua, "cò" du lịch đã sử dụng các biện pháp bạo lực, đe dọa các lái xe du lịch, hướng dẫn viên du lịch và du khách; bắt họ phải vào mua sắm, sử dụng dịch vụ tại một số địa chỉ trên địa bàn, đặc biệt là các cửa hàng mua sắm đặc sản Đà Lạt, cơ sở mang tên lò mứt", vườn dâu". "Hành vi này đã gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, an toàn tính mạng của du khách; làm suy giảm hình ảnh, uy tín, thương hiệu du lịch Đà Lạt" - công văn nêu.

Theo Đình Thi (Nld.com.vn)