LTS: Câu chuyện bỏ thi tốt nghiệp là sự trăn trở của rất nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên và các cấp quản lý ngành trong nhiều năm qua.
Và ngay đầu năm 2023 này, trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri ở một số địa phương như TP.HCM, Lâm Đồng tiếp tục gửi đến Bộ GD-ĐT kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, giao lại cho các các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thi hoặc có hình thức xét công nhận tốt nghiệp THPT…
Vậy có phải đã đến lúc kỳ thi tốt nghiệp THPT với quy mô toàn quốc kết thúc "sứ mệnh lịch sử"?
Bằng tốt nghiệp THPT "không có nhiều ý nghĩa"
Trong kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT, cử tri TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT vì hiện nay bằng tốt nghiệp THPT rất phổ biến nhưng thực tế không có nhiều ý nghĩa; mỗi năm cả nước vẫn phải tốn rất nhiều tiền để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, Bộ GD-ĐT nên tạo điều kiện chuyển về cho các địa phương tổ chức kỳ thi...
Cử tri Lâm Đồng đặt câu hỏi việc thi tốt nghiệp THPT hiện nay với tỷ lệ đạt rất cao, việc tổ chức thi liệu có cần thiết nữa hay không?
Thứ hai, việc lấy kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học chưa thật sự đảm bảo chất lượng đầu vào cho bậc học đại học; đặc biệt là các ngành có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, sức khỏe của người dân và phát triển xã hội lâu dài của đất nước như các ngành an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học…
Do đó, cử tri Lâm Đồng đề nghị nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, giao lại cho các các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thi hoặc có hình thức xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 của địa phương…
Cử tri tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2025 để học sinh có cơ sở lựa chọn các môn học phù hợp với khả năng và định hướng nghề nghiệp.
Đã quyết hay đang hỏi ý kiến?
Trả lời cử tri TP.HCM, ông Nguyễn Kim Sơn -Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay nhìn lại giáo dục ở bậc phổ thông nước ta hiện nay, chúng ta không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và trung học cơ sở, chỉ khi kết thúc lớp 12 thì mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Theo ông Sơn, nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận nhỏ học sinh phổ thông, nhất là học sinh các lớp THPT không học (không thi).
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho Kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2020, 2021, 2022 được tổ chức thành công, đạt mục tiêu kép vừa bảo đảm nghiêm túc, khách quan vừa an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng cho biết Bộ đã triển khai xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm đúng định hướng xuyên suốt, thống nhất về đánh giá kết quả giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cung cấp thông tin chính xác, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục...
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tổ chức tham khảo ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà quản lý, thầy cô giáo, các nhà trường và toàn xã hội để tiếp tục hoàn thiện Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng thời, triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt ngay từ năm 2023 để thực hiện hiệu quả phương án.
Với câu hỏi của cử tri thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết Luật Giáo dục yêu cầu cần phải thi và đáp ứng chuẩn đầu ra sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT. Việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng nâng cao (không có điểm dừng của chất lượng giáo dục). Việc tổ chức kỳ thi này là cần thiết để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ GD-ĐT đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, năm 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022; ở giai đoạn từ năm 2025 và các năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT nghiên cứu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm phù hợp với lộ trình đổi mới đánh giá quá trình học tập của học sinh THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để phân cấp trách nhiệm nhiều hơn nữa cho các địa phương chủ động trong tổ chức thi.
Tuy nhiên, trong buổi đến thăm và làm việc với Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu về việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vào chiều ngày 18/2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - ông Nguyễn Hữu Độ - cho biết năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp của học sinh chắc chắn sẽ có 4 môn học bắt buộc là Toán, Văn, Lịch sử, Ngoại ngữ. Ngoài ra, các môn học tự chọn cũng đang được Bộ GD-ĐT cân nhắc đưa vào kỳ thi tốt nghiệp sao cho phù hợp, đảm bảo việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.
Như vậy, có thể thấy rằng ở thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa có định hướng rõ ràng cho kỳ thi ngày càng nảy sinh nhiều thắc mắc về sự tồn tại này.
Theo Ngân Anh (VietNamNet)