Sáng 15/3, Khu chứng tích Mỹ Lai (Quảng Ngãi) đông nghịt người đến thăm và chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát. Trong số những cựu binh Mỹ có Mike Hastie, ông từng là phóng viên ảnh đi theo đoàn chăm sóc y tế ở chiến trường An Khê (Gia Lai) năm 1970-1971.
Lặng người khi nhìn những bức ảnh về vụ thảm sát, Mike Hastie cho biết ông đã trở lại Việt Nam và đến Mỹ Lai lần thứ 3 để tìm hiểu những gì người Mỹ đã gây ra ở đây. Rút tấm bưu thiếp in hình chiếc trực thăng với chữ "Why" (Tại sao?), Mike giải thích đây là dòng chữ mà lính Mỹ đã vẽ lên chiếc trực thăng để bày tỏ sự thất vọng và giận dữ vì bị chính phủ lừa dối. "Tôi đã chụp bức ảnh này vào năm 1970", ông cho biết.
"Nói dối là vũ khí mạnh nhất trong chiến tranh", Mike nhấn mạnh. Ông cho rằng cuộc thảm sát Mỹ Lai là ẩn dụ cho toàn bộ chiến tranh Việt Nam. Và không dừng lại ở Mỹ Lai, Chính phủ Mỹ đã gây ra nhiều Mỹ Lai khác ở Việt Nam.
"Chính sách của Mỹ không chỉ là tiêu diệt kẻ thù trong chiến trận để ngăn địch tới vùng hòa bình, mà sát hại những người dân không vũ trang để tiêu diệt ý chí và khả năng chiến đấu", ông phân tích.
Theo Mike Hastie, Mỹ Lai là một quá khứ mà người Mỹ luôn thấy khó khăn để đối diện. Mỗi người lính Mỹ đều mang mặc cảm tội lỗi vì những gì mà họ đã làm trong chiến tranh. Chính điều đó đã khiến ông nhiều lần trở lại nơi này.
Bị ám ảnh bởi những bức ảnh về vụ thảm sát, trong lần đầu đến Mỹ Lai vào năm 1994, một năm trước bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Mike đã trở lại những địa điểm lính Mỹ tập hợp người dân lại nã đạn hàng loạt.
Mike Hasite bồi hồi khoe bức ảnh ông chụp con mương năm ấy: "Đây là nơi mà lính Mỹ đã sát hại người dân năm xưa". Con mương ấy giờ đây không còn thấm máu mà là dòng nước chảy yên bình. "Đây là gốc gòn mà lính Mỹ đã sát hại 15 người", Mike lại đưa ra bức ảnh khác ông chụp sau ngày hòa bình, nay nằm trước một ngôi nhà hai tầng khang trang.
Từng bức ảnh ông chụp mỗi lần trở lại như một bước chân tiến gần đến sự thanh thản trong tâm hồn một người cảm thấy mình có một phần trách nhiệm. Nhưng nỗi ám ảnh về Mỹ Lai của người cựu binh chưa bao giờ thôi day dứt. Trong lần trở lại gần đây nhất, Mike chụp ảnh người phụ nữ bạn ông đứng trước đài tưởng niệm, tay bà cầm ảnh chiếc trực thăng ông chụp gần 50 năm trước.
Người cựu binh chỉ vào khuôn mặt và ánh mắt người phụ nữ và nói đó là biểu tượng cho sự hổ thẹn, giận dữ của người dân Mỹ với những gì chính phủ họ làm và sự hối lỗi với người Việt Nam. Mike đã dùng máy tính thêm vào bức ảnh số 504, để nhắc nhớ đến số người dân Mỹ Lai bị sát hại.
Năm nay, hơn 60 cựu binh Mỹ thuộc tổ chức Veterans For Peace (Cựu chiến binh vì hòa bình) sẽ đến Việt Nam. "Tôi rất vui vì nhiều cựu binh đã đến đây và đối diện, nó là một phần quan trọng để hàn gắn vết thương chiến tranh", Mike bày tỏ.
Đứng trước đài tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát, ông Mike cho rằng ngày nay chính phủ hai nước muốn xây dựng quan hệ tốt để phát triển kinh tế. "Nhưng tôi muốn nói với chính phủ và người dân Việt Nam rằng không vì thế mà lãng quên quá khứ", ông nói.
Cựu binh Mỹ lo ngại: "Chúng ta phải nhắc nhở thế hệ tương lai về Mỹ Lai, nếu chúng ta chôn vùi lịch sử, chúng ta sẽ vùi lấp công sức của những người anh hùng đã ngã xuống vì quê hương".
Trong khi đó, cựu binh Josept Volpe, hiện là giáo sư một đại học ở Mỹ cho biết, giới trẻ Mỹ ngày nay biết rất ít về chiến tranh Việt Nam. "Tôi nghĩ các sinh viên cần biết về những gì mà chính phủ đã can dự ở nơi này", ông nói và cho biết đã dẫn theo nhiều sinh viên dự Lễ tưởng niệm ngày thảm sát.
Josept Volpe đã nhiều lần đến Mỹ Lai. "Điều ấn tượng tôi nhất là cuộc sống của người dân mỗi ngày một phát triển qua mỗi lần trở lại", ông chia sẻ.
Từ Thái Lan bay tới Sài Gòn rồi về Chu Lai để đến Mỹ Lai dự Lễ tưởng niệm, ông Ronald Haeberle, phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ, người chụp và công bố những bức ảnh chấn động về vụ thảm sát, cho biết ông đã trở lại Mỹ Lai 6 lần.
"Những gì xảy ra ngày hôm đó luôn ám ảnh tôi. Tôi chưa bao giờ hối hận khi công bố những bức ảnh ấy", Ronald Haeberle nói với VnExpress. Ông chia sẻ rằng việc công bố hình ảnh về vụ thảm sát đã tạo bước ngoặt trong nhận thức của người dân Mỹ về cuộc chiến mà chính phủ đang gửi con em họ đến. Trước đó, không ai tin lính Mỹ có thể giết người già, phụ nữ và trẻ em.
"Ngày nay Mỹ Lai không được đề cập nhiều trong sách giáo khoa ở Mỹ. Người Mỹ muốn bỏ lại quá khứ phía sau và sau dựng quan hệ tốt với Việt Nam. Bài học rút ra: Chiến tranh là địa ngục", Ronald Haeberle nhấn mạnh.
Còn Mike Poehm, người kéo vỹ cầm trong lễ tưởng niệm vụ thảm sát hơn 20 năm qua, cho biết luôn cảm thấy một phần trách nhiệm về những gì người Mỹ đã làm ở Việt Nam. "Nhưng tôi nhìn về cả tương lai, ở đây có những đứa trẻ lớn lên trong hạnh phúc. Và điều tốt nhất chúng ta có thể làm là giúp đỡ họ", ông nói.
Ngày 16/3, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Mỹ Lai. Đến nay, công tác chuẩn bị đã căn bản hoàn tất.
50 năm trước, đại đội Charlie thuộc Lục quân Mỹ đã đổ bộ vào làng Mỹ Lai, nay là xã Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Trong 4 giờ, lính Mỹ đã sát hại 504 người dân không có vũ trang, phần lớn là người lớn và trẻ em.
Một năm sau, tin tức và hình ảnh vụ thảm sát được công bố trên một số báo Mỹ đã gây chấn động, làm bùng nổ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trong nước Mỹ và trên toàn thế giới.
Theo Phạm Linh (VnExpress.net)