Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề nghị các địa phương phải cưỡng chế người dân, tàu thuyền chậm di dời tránh cơn bão số 4.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, cho hay lúc 8h sáng nay, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị khoảng 180 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 9-10.
"Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Khoảng 16 đến 9h, bão đi vào Hà Tĩnh - Quảng Trị. Sau đó, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới", ông Cường cho hay.
Đổ bộ nam Hà Tĩnh đến bắc Quảng Trị
Theo ông Hoàng Đức Cường, từ trưa nay, đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9.
"Bão số 4 là cơn bão khá đặc biệt, ngày hôm qua (24/7), gần như không dịch chuyển.Tuy nhiên, ngay khi đi vào vịnh Bắc Bộ, bão di chuyển nhanh từ 10 km/h rồi lên 25 km/h", Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng nói và nhận định trọng tâm bão số 4 đổ bộ là nam Hà Tĩnh đến bắc Quảng Trị.
Hướng di chuyển của bão số 4. Ảnh: NCHMF. |
Do ảnh hưởng của bão, vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, khu vực nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sóng biển cao 3-5m. Vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 8, giật cấp 9-10, sóng biển cao 2-4 m.
Vùng biển ven bờ khu vực nam Thanh Hóa và các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-3 m, biển động mạnh. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Nghệ An đến Quảng Bình cao 2-3 m.
Từ ngày 25 đến 27/7, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (150-250 mm cả đợt). Đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (50-150 mm cả đợt).
Áp dụng cưỡng chế tàu thuyền còn hoạt động trên biển
Phát biểu tại cuộc họp, đại tá Lê Thanh Sơn, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ Đội biên phòng cho rằng mặc dù bão số 4 đổ bộ vào chiều nay nhưng, lượng tàu thuyền đánh bắt cá hoạt động trên biển vẫn còn nhiều. Bộ đội Biên phòng và các địa phương đang ráo riết thông báo cho chủ các phương tiện di chuyển tránh bão.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thắng Quang. |
Cũng theo đại tá Lê Thanh Sơn, khu vực ven biển Thanh Hóa - Bình Định vẫn có 1.230 tàu hoạt động. "Đến 14h, các địa phương phải yêu cầu xử lý các tàu không được hoạt động trên biển, nếu người dân chủ quan, không chịu di chuyển phải áp dụng biện pháp cưỡng chế", đại tá Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết đến sáng nay không còn tàu thuyền hoạt động trên biển, đã vào vùng neo đậu trú bão an toàn. Về an toàn các hồ chưa, đại diện tỉnh Quảng Bình khẳng định các hồ đập mới đạt 60-80% dung tích, đang ở mức an toàn.
Cũng nói về việc này, ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, lo ngại, hiện địa phương này có 625 hồ chứa thì 263 hồ chứa đã đầy nước, số còn lại đạt 70-80% dung tích. UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo tiếp tục chủ động theo dõi những hồ đập nào không an toàn sẽ không tiếp tục cho tích nước.
Đại diện 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế cũng thông tin đã cấm biển từ chiều và tối qua (24/7).
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, bão số 4 đi vào nơi cơn bão số 2 vừa đi qua, đất đã no nước. Các địa phương không được phép chủ quan.
"Các địa phương kiên quyết bắt buộc tất cả lao động trên tàu, thuyền không được ở lại dù đã vào bờ để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, chúng ta phải quan tâm đến hồ xung yếu, nhất là các hồ thủy điện, nếu xả không đúng quy trình sẽ gây ảnh hưởng rấy nặng nề đến vùng hạ du", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.
Hàng loạt chuyến bay do ảnh hưởng của bão Vietnam Airlines (VNA) và VASCO (0V) cho hay do ảnh hưởng của cơn bão số 4 tại khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, hai hãng dự kiến sẽ điều chỉnh kế hoạch khai thác tại các sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình) trong ngày 25/7. VNA sẽ không khai thác 8 chuyến bay, gồm: VN1266/1267/1268/1269 (giữa TP.HCM và Vinh), VN1714/1715 (giữa Hà Nội và Vinh) và VN1270/1271 (giữa TP.HCM và Thanh Hóa); điều chỉnh lịch khởi hành các chuyến bay VN1264/1265 (giữa TP.HCM và Vinh) sớm 2 tiếng 45 phút so với kế hoạch. 0V sẽ không khai thác 2 chuyến bay, gồm: 0V8591/8590 (giữa Hà Nội và Đồng Hới). Các hãng sẽ triển khai kế hoạch bay bù trong ngày 26/7. Hành khách trên các chuyến bay này sẽ được chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay cùng hành trình trong ngày hôm sau (nếu còn chỗ). Còn theo đại diện hãng hàng không Vietjet Air, các chuyến bay dừng khai thác gồm VJ248/247/246/245/250/249 (TP.HCM - Thanh Hóa - TP.HCM); VJ216/741/740/217 (TP.HCM - Vinh - Buôn Mê Thuột - Minh - TP.HCM); VJ264/265 (TP.HCM - Đồng Hới - TP.HCM); VJ220/221 (TP.HCM - Vinh - TP.HCM). VJ758/759 (Pleiku - Vinh - Pleiku). Ngoài ra, nhiều chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. |
Theo Thắng Quang (Tri Thức Trực Tuyến)