Khi phóng viên liên hệ mua vé đi Nha Trang - Sài Gòn vào ngày 28 Tết, của hãng xe Trà Lan Viên, nhân viên ở Nha Trang cho biết không còn vé, hỏi giá không trả lời mà bảo phải liên hệ với bộ phận dịch vụ trong TPHCM. Tôi thắc mắc: “Bình thường vẫn đặt mua tại Nha Trang, sau đó khách ở Sài Gòn thì lấy vé tại Sài Gòn. Sao bây giờ đặt ngược như vậy. Hơn nữa, đại lý tại Nha Trang bảo không còn vé thì làm sao hãng ở Sài Gòn còn mà mua?”. Nhân viên trở nên gắt gỏng: “Đây là Tết nên bán vé kiểu khác. Tới quận 1 trong TPHCM có dịch vụ bán vé. Hỏi nhiều quá”. Trưa 12/1, tôi đến phòng vé của Trà Lan Viên tại quận 1 (TPHCM), nữ nhân viên cho biết, còn khá nhiều ghế ở cả hai tầng, giá 450.000 đồng/vé (giá bình thường chỉ 180.000 đồng/vé), nhân viên cho biết, vé tết chỉ mua trực tiếp, không đặt qua điện thoại hay online.
Hãng xe Open tour Sinh Cafe cho biết, còn rất nhiều vé đi Sài Gòn - Nha Trang. Nếu như giá thường ngày chỉ 210.000 đồng/vé thì Tết tăng lên 550.000 đồng/vé. Còn hãng xe Phương Nam cũng cho biết, còn khá nhiều ghế trống đi Nha Trang, giá 350.000 đồng/vé (ngày thường chỉ 180.000 đồng/vé). Giá vé hiện tại cho tuyến tết Sài Gòn - Nha Trang mà các hãng xe chất lượng cao đang bán ở mức 350.000 đồng - 450.000 đồng đã tăng gấp 150% so với quy định của nhà nước chỉ được tăng tối đa 60%. Thắc mắc vì sao giá cao gấp nhiều lần so với ngày thường, nhân viên các hãng đều trả lời: “Tết mà, năm nào cũng vậy, giá cao nhưng không có xe để đi”.
Tại nhà xe Ba Nga (quận Tân Bình) có xe chạy tuyến TPHCM - Đà Nẵng luôn có khách ra vô tấp nập. Hành khách gọi điện thoại đặt vé đều bị nhân viên từ chối, yêu cầu người mua vé phải đến trực tiếp. Ghé qua nhà xe này, nhân viên tư vấn, giá vé từ TPHCM đi Đà Nẵng tăng giảm tùy ngày, tăng nhiều nhất là cao điểm tết từ 24 đến 27 tháng Chạp, trung bình 1 triệu đồng/vé ngày 25, 26 tết. Vé giường nằm phía trước có giá cao hơn phía sau. “Hành khách đặt cụ thể giường loại nào, đi ngày nào sẽ có giá cụ thể cho ngày đó” - một nhân viên nói.
Không chỉ nâng giá cao bất thường, nhiều nhà xe còn neo giá khiến hành khách hồi hộp giờ lên xe. Nhà xe Bảy Tàu chạy tuyến Sài Gòn - Bình Định bán vé Tết từ đầu tháng 10 âm lịch nhưng nhà xe không cho biết giá cụ thể, chỉ yêu cầu khách đặt trước tiền cọc, 200.000 đồng với ghế ngồi và 300.000 đồng với giường nằm. Đến giờ đi sẽ báo giá với khách trước vài tiếng, lên xe thu số tiền còn lại. Lấy lý do đi cả gia đình hơn chục người nên hỏi chừng giá cụ thể, nhân viên mới ỡm ờ “như năm ngoái”, nghĩa là 700.000 đồng - 800.000 đồng/vé với xe giường nằm, còn ghế ngồi sẽ rẻ hơn 100.000 đồng/vé. Giá này tăng gấp 2,5 lần so với giá ngày thường (280.000 đồng/vé).
“Xe dù, bến cóc” tung hoành
Gần tết, các nhà xe càng bất chấp quy định không được đón trả khách sai hành trình quy định,…ở các điểm bến cóc. Nhiều “xe dù” chở khách không gắn tên nhà xe, tuyến xe,… nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động đón trả khách trên các tuyến đường.
Theo ghi nhận của PV vào các ngày 12/1, tại một số khu vực trước cổng Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), khu vực Suối Tiên (quận 9),… có nhiều xe khách đủ loại lớn nhỏ, ghế ngồi, ghế nằm ngang nhiên đón trả khách trên đường, gây ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Trưa cùng ngày, chiếc xe khách Hoài Thảo mang biển số 51B-15.794 bật xi nhan tấp vào lề phải đường, một lơ xe nhanh chân phóng xuống chạy đến khu vực có hơn chục khách ngồi chờ xe chèo kéo đi Đức Linh. Chiếc xe này ngang nhiên dừng trên làn ô tô, trong khi phía sau có nhiều ô tô chạy đến gần phải chuyển làn sang trái để tránh.
Tương tự, chiếc xe khách 45 chỗ Minh Giảng mang biển số 86B-00871 đi Phan Thiết (Bình Thuận) cũng ngang nhiên dừng xe giữa đường bắt khách. Chiều 12/1, chiếc xe này dừng lại trên Xa lộ Hà Nội (đoạn qua khu vực Suối Tiên, quận 9) bắt hai khách lên xe rồi phóng đi. Chưa đầy 5 phút, chiếc xe cùng loại của nhà xe Tân Quê Hương mang biển số 76B-00500 đến, lơ xe thò đầu ra gọi khách. Thấy có khách đi, người này vội phóng xuống, bê hành lý hối khách nhanh chân lên xe chạy tiếp.
Trong ngày, PV cũng ghi nhận có nhiều “xe dù” không để tên nhà xe, tuyến đường đi những vẫn ngang nhiên hoạt động đón khách trên Xa lộ Hà Nội (đoạn qua quận 9). Chiếc xe loại 45 chỗ mới tinh mang biển số 51B-18589 không để dòng chữ nào về tuyến đường đi, nhà xe,…vẫn dừng lại đón khách trên đường.
Theo Thanh tra giao thông Sở GTVT TPHCM, từ đầu tháng 11/2016 đến nay, Thanh tra giao thông phối hợp với CSGT ra quân kiểm tra, xử lý tình trạng xe dù bến cóc với hơn 665 trường hợp bị lập biên bản vi phạm hành chính với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là đón trả khách sai hành trình quy định, xe chở khách nhưng không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định,…
Từ nay đến tết, Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý tại nhiều tuyến đường nóng như QL1A, Xa lộ Hà Nội, QL13, các khu vực quanh Bến xe Miền Đông, Miền Tây, An Sương,… để chấn chỉnh tình trạng “xe dù bến cóc”. Thanh tra Sở GTVT TPHCM cũng đã chỉ đạo thành lập 4 tổ công tác để kiểm tra tình trạng “xe dù, bến cóc” tại các khu vực cửa ngõ và gần bến xe.
Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, bến xe hiện nay đã có 2.938 xe khách trên tuyến đăng ký phục vụ vận chuyển hành khách vào dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, 93/215 doanh nghiệp vận tải đã kê khai giá vé Tết và 56 doanh nghiệp đã tổ chức bán vé. Theo ông Thừa, bến xe quản lý việc bán vé và tăng giá vé của các nhà xe đăng ký hoạt động trong bến. Tuy nhiên, đối với các nhà xe có điểm bán vé ở ngoài, giá vé này do nhà xe tự thỏa thuận với khách hàng nên bến xe không thể quản lý. Ngô Bình |
Theo V.Minh-Uyên Phương (Tiền Phong)