Sáng 15/1, anh Phan Ngọc Hậu (35 tuổi, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) được bệnh viện huyện này chuyển từ khoa Hồi sức tích cực sang khoa Nội khi sức khỏe bệnh nhân bình phục. Anh Hậu là tài công bị kẹt lại trong sà lan chở gạch ống, chìm ngoài biển gần Mũi Ông Đội (thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc) vào 1h ngày 13/1.
Lúc đó, sà lan của một doanh nghiệp chở gạch từ Hà Tiên ra Phú Quốc. Khi cách Mũi Ông Đội khoảng 1 hải lý, sà lan chao đảo mạnh khi gặp thời tiết xấu rồi lật úp.
Trong 3 thuyền viên bị nạn, 2 người tự bơi vào bờ là ông Phan Văn Quang (60 tuổi) và cháu ngoại Nguyễn Duy Kha (18 tuổi, cùng ngụ thị trấn Dương Đông). Riêng anh Hậu (con ông Quang) mất tích. Đến hơn 14h ngày 14/1, tài công này mới được thợ lặn tìm thấy trong hầm máy của sà lan.
"Tôi vào đây cứu anh"
Sau khi phát hiện gần khu vực đóng quân có sà lan bị nạn, sáng 13/1, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho 3 phương tiện thuộc Lữ đoàn 127 tham gia cứu nạn. Tuy nhiên, Hải quân quần thảo khắp nơi và cho lực lượng lặn xuống biển vẫn không tìm thấy anh Hậu.
Đến ngày thứ hai, chủ sà lan và người thân của nạn nhân thuê nhiều thợ lặn giỏi ở đảo Phú Quốc tiếp tục tìm anh Hậu nhưng bất thành. Lúc đó, mọi người tìm đến người thợ sửa đồng hồ ở thị trấn An Thới nhờ hỗ trợ, vì thấy ông Nguyễn Đình Chiến (51 tuổi) thường lặn xuống biển bắt nghêu, sò cho các con mang ra chợ bán.
"Lúc đầu thấy người nhà của nạn nhân thuê quá nhiều thợ lặn nên mình cũng không dám lên tiếng. Khi tôi được nhờ thì trời đã chiều, nhưng tôi nói với họ là ban đêm tôi vẫn lặn được, để cứu người nếu anh Hậu may mắn sống sót", ông Chiến kể.
Sau khi lặn vào sà lan từ hướng mũi đến lái, ông Chiến chui vô từng khoang nhưng không thấy thi thể người. Hi vọng anh Hậu còn sống cứ tăng dần khi người thợ lặn vào buồng máy và phát hiện một nơi không bị ngập nước.
"May mắn là sà lan sau khi lật thì có một phần hông bên phía ống khói nhô lên khỏi mặt nước. Khi đó, tôi ở trong buồng máy đầy nước và dỡ từng lớp ván trên đầu. Dỡ đến lớp thứ ba thì tôi thọt tay vào khu vực không có nước. Lúc đó, tôi nghĩ rằng nạn nhân ở trong đó nên cố gắng tiến sâu vào", người thợ lặn nhớ lại.
Ánh đèn pin sau đó soi vào một người đang nằm. Người này dùng tay che mặt và không nói tiếng nào. Ông Chiến biết anh Hậu đang lo sợ nên nhè nhẹ đặt tay lên người tài công và nói: "Bình tĩnh, không sao đâu, tôi vào đây cứu anh".
Vào đã khó, ra càng khó hơn vì anh Hậu không phải thợ lặn nên ông Chiến sợ nạn nhân ngạt nước. Ông Chiến sau đó lặn tìm đường ngắn nhất để đưa anh Hậu ra ngoài bằng đường lỗ thông hơi nóng của hầm máy.
"Sau khi tìm gặp Hậu, tôi trèo lên ghe để lấy thêm sợi dây và nói 'thấy nó rồi'. Lúc đó, người nhà tưởng gặp xác chết nên mang đồ đến để lo hậu sự. Lúc lặn xuống để kéo Hậu ra ngoài, anh ấy đạp mạnh vào mặt tôi để trồi lên mặt nước khiến tôi bị lọt ngược vào trong hầm máy, kính lặn vỡ nát", người thợ sửa đồng hồ "kiêm" thợ lặn quê An Giang chia sẻ với Zing.vn.
Tưởng hết đường sống
Ông Phan Văn Quang cho biết chiếc sà lan có trọng tải 700 tấn bị chao đảo mạnh khi gặp gió to, sóng lớn nên anh tài công đã đánh thức cha. Lúc đó, ông Quang đang ngủ trong cabin.
Sau khi nhờ ông Quang giữ tạm vô lăng để chạy xuống hầm máy đánh thức đứa cháu ruột là Nguyễn Duy Kha thì sà lan bất ngờ lật úp.
"Cậu Hậu kịp đẩy tôi ra khỏi sà lan nhưng cậu ấy không tự chui ra được. Lúc trồi lên mặt nước, tôi gặp ông ngoại và xung quanh có nhiều áo phao. Tôi với ông mặc áo phao rồi tìm kiếm cậu Hậu nhưng không gặp. Tôi với ông ngoại sau đó bơi hơn 4 giờ mới tới bờ", anh Kha kể.
Nằm trên giường bệnh, anh Hậu chưa nói chuyện được nhiều và bụng còn đau. Tài công này cũng chỉ nhớ là trước khi bị nạn, ông Quang đang nằm ngủ phía sau lưng mình. Anh đánh thức cha rồi chạy xuống cabin để gọi đứa cháu thì sà lan lật rất nhanh, nước biển tràn vào hầm máy.
"Sau khi đẩy đứa cháu ra ngoài thì nước cuốn tôi vào sâu phía trong. Mọi việc diễn ra trong nháy mắt. May là tôi tìm được chỗ không có nước để nằm chờ cứu hộ. Gần 40 giờ trôi qua, tôi cứ nghĩ mình sẽ mất mạng", anh Hậu chia sẻ.
Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)