Dự kiến chỉ 15 phút nhưng thực tế cuộc gặp xúc động giữa nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản với gia đình các cựu binh Nhật ở Việt Nam trưa 2-3 đã kéo dài tới khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội ngày 2-3 - Ảnh: Việt Dũng |
16 thân nhân các cựu binh Nhật đã tham dự cuộc gặp với nhà vua và hoàng hậu tại khách sạn Sheraton, Hà Nội. Trong đó, người lớn tuổi nhất là cụ bà Nguyễn Thị Xuân, 94 tuổi, vợ của cựu binh Nhật Bản Shimizu Yoshiharu (tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Đức).
Theo bà Nguyễn Thị Xuân, trong buổi gặp, Nhật hoàng và hoàng hậu vô cùng vui mừng và xúc động khi gặp lại thân nhân các cựu binh Nhật. Nhật hoàng đã chủ động bắt tay, hỏi han sức khỏe bà cũng như về gia đình con cháu. Nhật hoàng bày tỏ sự quan tâm lớn đến những người vợ lấy chồng Nhật như bà Xuân cũng như những người Nhật còn ở lại Việt Nam.
Bà Xuân gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Nhật hoàng và hoàng hậu đã quan tâm đến những người vợ lấy chồng Nhật và chúc sức khỏe đến Nhật hoàng và hoàng hậu.
Trước đó sáng cùng ngày, nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các cựu du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản và học sinh khối chuyên ngoại ngữ tiếng Nhật của Trường THPT Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Trao đổi trực tiếp với các học sinh, sinh viên Việt Nam và các cựu du học sinh tại Nhật Bản, nhà vua và hoàng hậu đặc biệt quan tâm đến những khó khăn của họ trong việc học tiếng Nhật hiện nay cũng như việc học tiếng Nhật và kiến thức học tại Nhật Bản đã đóng góp gì cho công việc của mỗi người cũng như cho sự phát triển của đất nước Việt Nam và quan hệ song phương Việt - Nhật.
Chiều cùng ngày, nhà vua và hoàng hậu đã đến thăm Bảo tàng sinh học thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Đây là nơi lưu trữ và trưng bày mẫu cá bống trắng do đích thân nhà vua phát hiện và đã trao tặng cho Việt Nam từ năm 1974.
Là một người say mê nghiên cứu về cá bống, nhiều năm qua nhà vua đã nghiên cứu phân loại các loại cá bống. Nhà vua phát hiện giống cá bống trắng mới trên thế giới tại một nhánh sông Cần Thơ khi đang làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam từ những năm 1970. Đến năm 1974, nhà vua đã trao tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng động vật thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng sinh học thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội).
Sáng nay (3-3), sau khi dự tiệc trà do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân chiêu đãi, Nhật hoàng và hoàng hậu rời Hà Nội đi Huế. Trước đó, chiều 2-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã hội kiến với Nhật hoàng và hoàng hậu. Tại buổi hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Nhà vua Akihito bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên nhiều lĩnh vực của quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong những năm qua và tin tưởng rằng chuyến thăm Việt Nam lần này của nhà vua và hoàng hậu sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. THANH HÀ |
Trong số quân nhân Nhật Bản được điều động đến Đông Dương, khoảng 600 người đã ở lại Việt Nam sau khi Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh tháng 8-1945. Nhiều người lính Nhật sau đó đã tham gia Việt Minh chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954. Hơn một nửa thiệt mạng trên chiến trường hoặc qua đời do bệnh tật. Nhiều binh sĩ Nhật Bản kết hôn với phụ nữ Việt Nam và có con nhưng một số người đã không đưa được gia đình về nước khi hồi hương. Ước tính có vài trăm người là vợ, con các cựu quân nhân Nhật Bản hiện đang sống tại nhiều địa phương khác nhau ở Việt Nam. |