Duy Phương say mê viết thư pháp. |
Nhà nghèo không có cái ăn, chăm con đã khó khăn, nuôi một cậu bé chỉ nhỏ bằng cổ tay càng khó. Ba tháng đầu đời, dù được chăm từng chút một nhưng Phương chậm lớn và gần như không tăng cân và cao thêm được tí nào. Mỗi lần đói, chỉ cần vài giọt sữa là cậu bé đã no và không chịu bú nữa.
"Nhìn nó bé nhỏ, tôi cứ lo sợ bế bé rồi làm rơi, nhưng hình như trời thương, mặt mũi cu cậu khôi ngô và rất lanh lẹ, mới 7 tháng đã trườn khắp nhà, tròn một tuổi thì đã có thể đi và bắt đầu tập nói. Phương nói không rõ như trẻ khác nhưng rất hay nói", người mẹ kể.
Vừa nuôi con vừa cầu xin ơn trên cho thằng bé khỏe mạnh, bà Anh tiếp tục lo cho con đến khi bé hơn một tuổi thì cái nghèo vây lấy. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại mặc cảm vì cậu con trai có hình dáng khác người, bà Anh bế Phương và anh trai lớn hơn Phương 4 tuổi, rời miền Trung vào Sài Gòn sinh sống. Cuộc sống nay đây mai đó, ai thuê gì làm nấy chẳng đủ ăn, thấy con quá vất vả, lại nghĩ con bị ảnh hưởng chất độc da cam, người mẹ mang con đến làng trẻ Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ), tại đây bé được đón nhận.
Cũng như bao trẻ em khuyết tật mà hầu hết là nạn nhân chất độc da cam, tại làng Hòa Bình, bé Phương được các mẹ, các bà vốn là bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ hết mực yêu thương với cái tên Tí Hon. Có bạn bè để chơi, có cái để ăn, cậu bé Tí Hon ngày càng lanh lẹ nhưng thân hình vẫn nhỏ bé. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, các bác sĩ xác định Phương bị mắc hội chứng Seckel (người lùn đầu chim), một hội chứng mà y học thế giới chưa tìm được nguyên nhân và phương pháp chữa trị. Phần lớn những ca Seckel trên thế giới đều sống không quá 15 tuổi.
Cuối năm 1988, Tí Hon khi đó lên 2, được chuyển qua Trung tâm phục hồi trẻ mồ côi suy dinh dưỡng của Bộ Lao động Thương binh Xã hội tại TP HCM. Cu cậu được điều trị, chăm sóc suốt gần 10 năm. Cũng trong thời gian sống tại trung tâm, Tí Hon được gia đình đưa lên chùa Bát Nhã ở quận Bình Thạnh để khai tâm.
Duy Phương và anh trai đang là kỹ sư tin học. Ảnh: Ngọc Thiện - CSTC |
"Từ khi vào chùa, thằng bé sống khỏe. Phương vượt qua tuổi 15, cái tuổi mà y học dự đoán sẽ khó vượt qua đối với người mắc chứng Seckel. Dù nói năng ngọng nghịu, thân hình vẫn bé như trẻ lên 3 nhưng Tí Hon luôn năng động, ngoan ngoãn, cu cậu còn tỏ ra có năng khiếu hội họa và yêu thích võ thuật", người nhà cho biết.
Từ ngày xuống tóc với pháp danh Thích Nhuận Pháp, bên cạnh việc phụ giúp các thầy, được các thầy dạy chữ, Tí Hon còn rèn luyện võ thuật và tập viết thư pháp. Trí não hạn hẹp, học không được nhiều, chỉ biết mặt chữ, thế nhưng Tí Hon lại thích cầm bút, nhìn dáng chữ có sẵn rồi viết theo. Vậy là hơn chục năm sau, chàng thanh niên có thân hình nhỏ bé cứ ngày ngày cặm cụi tập võ và viết chữ. Từ những cố gắng của mình, năm 2013, Phương được Trung tâm VietKings trao bằng công nhận thầy đồ 29 tuổi, là ông đồ tí hon nhất Việt Nam với chiều cao 90 cm, cân nặng 13 kg.
Thế nhưng mọi sự cố gắng cũng không thể giúp Nguyễn Duy Phương vượt qua căn bệnh đã trở thành định mệnh của đời mình. Năm 2015, đang ngủ thì nửa đêm Phương than khó thở. Tại bệnh viện, bệnh nhân tí hon được chẩn đoán mắc bệnh tim. Anh được chữa trị tích cực nhưng từ sau khi xuất viện, sức khỏe của Nhuận Pháp cứ yếu dần. Vài tháng trước, Phương một lần nữa nhập viện vì chức năng gan bị suy yếu.
Trong những ngày nằm viện, dù đau đớn từng cơn nhưng kỳ nhân 31 tuổi vẫn cố gắng chống chọi bằng nghị lực phi thường. Anh thậm chí còn động viên mẹ và những người ghé thăm mình. Đến ngày 23/10, Phương trút hơi thở cuối cùng, sống thọ hơn nhiều so với những người mắc hội chứng giống anh.
Theo Thiên Chương (Ngoisao.net)