Mái ấm Phúc Lâm nằm trong khu dân cư đông đúc ở xã Long An, huyện Long Khánh, Đồng Nai.
Từ lúc thành lập vào năm 2008 đến nay, anh Nguyễn Văn Lâm, 46 tuổi, luôn dặn nhân viên không được khóa cửa, điện thoại anh mở suốt ngày đêm.
“Người ta mang trẻ đến để trước cổng rồi lặng lẽ đi. Nếu chúng tôi không để ý đứa trẻ sẽ bị chó, kiến và côn trùng cắn cùng nhiều bất trắc khó lường trước”, anh Lâm nói.
Đến nay, anh Lâm vẫn còn nhớ ngày Phúc An đến với mái ấm. Mẹ em là cô gái quê lên thành phố làm việc khi mới bước qua tuổi 18.
Mang thai ở tháng thứ bảy, chị hay tin người yêu cưới vợ. Uất hận, người mẹ uống thuốc tự tử. Những người xung quanh biết chuyện đưa chị vào bệnh viện nhưng chỉ cứu được con.
Lúc đó là giáp Tết, anh Lâm đang cho nhân viên dọn dẹp mái ấm thì nhận được cuộc gọi từ bệnh viện báo, có một đứa trẻ mất mẹ khi mới chào đời, người nhà không liên lạc được.
“Tôi vào bệnh viện ngay. An bé xíu, đỏ hỏn, thở yếu nên phải nằm lồng kính suốt 3 tháng”, anh Lâm nhớ lại.
Hiện An hơn 3 tuổi. Em nhanh nhẹn, líu lo múa hát suốt ngày. “Thằng bé thích người khác bế, nên cứ ai đến thăm là sà vào lòng, mặt áp vào vai, thương lắm”, bế con trai trên tay, anh Lâm nói.
Một hoàn cảnh khác cũng khiến anh Lâm nhói lòng. Mùa xuân 4 năm trước, cả nhà bé Nguyện đi chúc Tết thì bị tai nạn giao thông. Anh Lâm khi đó đang chăm hai bé bị bệnh nặng trong bệnh viện và được một người nhờ nuôi bé Nguyện.
“Họ nói, mẹ bé có thể phục hồi sức khỏe, nhờ tôi nuôi vài tháng sẽ đến đón về. Vậy mà điều đó không xảy ra. Mẹ Nguyện vì sốc trước tin chồng qua đời cũng đi theo”, anh Lâm kể.
Nguyện đến với Phúc Lâm ban đầu bụ bẫm, dễ thương. Nhưng từ ngày mẹ mất em không chịu ăn uống, cả ngày cứ ngồi lầm lì một chỗ. Đưa đi khám, các bác sĩ kết luận em bị tim bẩm sinh, phải nằm viện suốt hai năm liền để được theo dõi sức khỏe, chờ được mổ.
“Năm đó, ngoài Nguyện còn có 1 bé hở hàm ếch, 6 bé sinh non và 1 bé bị tim bẩm sinh. Phải điều trị cho các con tôi như kiệt quệ và muốn buông xuôi”, anh Lâm nói.
Nhưng nhìn những ánh mắt đen láy của các con nhìn mình, anh Lâm lại thêm quyết tâm.
Điều làm anh day dứt đến hôm nay là không thực hiện được ca phẫu thuật tim cho bé Nguyện.
“Lần đó, có bác sĩ đến xin mổ tim miễn phí cho con. Tôi đang ngồi nói chuyện với ông ấy thì bảo mẫu gọi điện nói, lên bệnh viện ngay. Do đang tiếp khách tôi nói, khoảng vài phút nữa mới đi được. Vậy mà, chưa đầy 5 phút sau con đi rồi. Con bị sốc thuốc”, mắt nhìn chăm chăm vào di ảnh Nguyện, giọng anh Lâm chùng xuống.
Anh Lâm cho biết, trong 84 bé đến với mái ấm, có đến 70% bé là sinh non, 30% là các bé từ 3 tuổi trở xuống.
Ngoài hai câu chuyện trên, từ lúc nhặt được đứa trẻ đầu tiên đến nay đã hơn 11 năm, hầu hết không có ông bố, bà mẹ nào đến thăm con hoặc có ý định nhận lại.
Anh Lâm cũng không cho đi bé nào, anh nhận nuôi toàn bộ các con. “Các con đến với tôi thì tôi phải làm gì đó cho cuộc đời các con tốt hơn”, ông bố đơn thân nói.
Anh kể, có một người mẹ người dân tộc thiểu số sinh con được hơn tháng thì cho bé uống thuốc ngủ để đưa ra đường hành nghề ăn xin.
Đến khi bé được 2,5 tháng, sức khỏe yếu, không còn sức sống nữa người mẹ mang bỏ ở thùng rác đúng lúc anh Lâm vừa đi qua.
“Tôi hỏi, sao cô bỏ con. Cô ấy lạnh lùng: “Con tôi sinh ra được thì bỏ được” rồi ngoảnh mặt làm ngơ”, anh Lâm nhớ lại.
May mắn, sau khi được cấp cứu, em bé tỉnh lại. Tuy nhiên, em phải nằm viện suốt 28 ngày liền để theo dõi.
“Con rất yếu. Tôi phải bế trên tay suốt 28 ngày liền”, anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai cho biết, mỗi khi nhặt được một đứa trẻ, anh Lâm đều gọi chính quyền địa phương đến chứng kiến, lập hồ sơ và hỗ trợ đăng thông tin tìm người thân cho các bé.
Sau hơn một tháng không ai đến nhận, anh Lâm mới dùng họ của mình để làm lễ đặt tên cho các bé và đi làm giấy khai sinh.
Anh Lâm cho biết, hiện nay đã có 35 bé đang bước vào tuổi vị thành niên vì thế anh đang xây một căn nhà ba tầng để có thể tách bé nam, nữ riêng.
Hơn nữa, anh muốn mở thêm lớp học để mời giáo viên về dạy đỡ khoản chi phí đưa, đón các con.
Theo Tú Anh - Hoàn Tuân (VietNamNet)