Cuộc chiến cân não sau vô lăng của tài xế vận chuyển bệnh nhân Covid-19

20/07/2021 10:32:54

Dịch Covid-19 ngày càng căng thẳng, phía sau các y bác sĩ cũng là cuộc chiến của những tài xế vận chuyển bệnh nhân Covid-19 đang diễn ra sau vô lăng.

Nhiều tài xế trở thành...F0

Ngày 19/7, xe cấp cứu, xe khách và cả xe buýt vẫn hối hả vận chuyển bệnh nhân từ khắp quận huyện về các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Số lượng bệnh nhân tăng cao những ngày qua đang khiến nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, nhân sự và trang thiết bị phục vụ công tác điều trị ngày càng trở nên khó khăn.

Đang dừng xe trước lối vào của Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 chờ được tiếp nhận bệnh, anh Đỗ Nguyễn Tuấn Đạt tài xế xe cấp cứu, Bệnh viện An Sinh chia sẻ: “Cả tháng nay, tôi phải chạy liên tục ngày cũng như đêm gần như không có giờ để ngủ nghỉ. Có ngày ăn được một bữa đã là hạnh phúc rồi, nước không dám uống nhiều vì sợ đi tiểu khi đang mặc đồ bảo hộ”.

Cuộc chiến cân não sau vô lăng của tài xế vận chuyển bệnh nhân Covid-19
Tài xế Tuấn Ðạt bên chiếc xe vận chuyển bệnh nhân

Theo chia sẻ của anh Tuấn Đạt, Bệnh viện An Sinh có 4 tài xế chạy xe cứu thương thì hai người đã dương tính với SARS-CoV-2, một đang điều trị trong Bệnh viện Dã chiến số 7, người còn lại cách ly, điều trị tại Ký túc xá Đại học Quốc gia ở Thủ Đức.

Vì vậy, anh Tuấn Đạt đang chịu trách nhiệm chính trong việc vận chuyển bệnh nhân Covid-19 đến các cơ sở điều trị, tài xế còn lại đang thực hiện nhiệm vụ gửi mẫu xét nghiệm và công tác vận chuyển khác của bệnh viện.

Trong lúc chờ đội ngũ y tế đưa bệnh nhân xuống xe, anh Đạt tranh thủ chia sẻ: “Trên xe của tôi hiện có 4 bệnh nhân mắc Covid-19 đang chờ vào Bệnh viện Dã chiến số 6 nhưng chưa biết khi nào mới được duyệt thủ tục. Số bệnh nhân cần vận chuyển đang chờ ở bệnh viện phải chạy 2 chuyến nữa. Trong thời gian đó không biết sẽ có bao nhiêu ca bệnh khác phát sinh thêm”.

Áp lực

Ngoài làm nhiệm vụ ở bệnh viện, tài xế xe cấp cứu của An Sinh còn nhận nhiệm vụ điều động từ Sở Y tế. Số chuyến vận chuyển bệnh theo sự điều động của Sở Y tế cao hơn rất nhiều so với nhu cầu chuyển bệnh tại An Sinh. Nhiều tài xế cho biết, bản thân họ đang phải cố gắng để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao để tránh ùn ứ bệnh nhân.

Tại nhiều bệnh viện tài xế xe cứu thương phải được yêu cầu ở lại bệnh viện trực 24/24. Một tài xế ở Bệnh viện Nhân dân 115, đang vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 cho bệnh viện dã chiến Bình Chánh cho biết, ngày thường vận chuyển bệnh nhân cấp cứu đã căng thẳng, giai đoạn dịch Covid-19 vận chuyển bệnh nhân là F0 càng áp lực hơn.

“Do ca bệnh tăng nên chúng tôi gần như phải chạy liên tục”- tài xế này nói và cho biết có khi bỏ dở cơm bởi lệnh điều động các ca bệnh nặng cần chuyển gấp. 

“Cuộc chiến chống dịch có thể còn dài, công tác vận chuyển là đặc biệt quan trọng, các bệnh viện, cơ sở y tế cần quan tâm động viên tinh thần và sắp xếp để anh em có thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe, chiến đấu lâu dài”.

PGS.TS.BS Ðỗ Kim Quế- Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM 

Còn theo tài xế Đạt, trong ngày 18/7, khoảng 12 giờ đêm anh mới được chợp mắt nhưng đến 4 giờ phải dậy để ôm vô lăng.

“Thời gian qua tôi không nhớ nổi mỗi ngày mình đã chạy bao nhiêu chuyến. Hầu hết các chuyến xe chưa kịp giao bệnh thì đã nhận cuộc gọi yêu cầu tiếp tục chuyển bệnh khẩn, gấp… chúng tôi đang phải chịu những áp lực rất khủng khiếp”- anh Đạt chia sẻ.

Trao đổi với phóng viênTiền Phong, một lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM cho biết, trực tiếp vận chuyển bệnh nhân Covid-19 nên nguy cơ lây nhiễm đối với các tài xế xe cứu thương là khó tránh khỏi.

“Họ đang phải tự động viên chính mình vượt qua khó khăn để hỗ trợ cộng đồng, hoàn thành nhanh nhất có thể nhiệm vụ chuyển bệnh, chuyển mẫu xét nghiệm để công tác phát hiện ca bệnh, phân loại bệnh diễn ra nhanh chóng. Ngoài rủi ro lây nhiễm thì nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập tài xế”- vị lãnh đạo này nói.

Chia sẻ về những khó khăn của mình, anh Đạt cho biết: “Từ khi cách ly xã hội đến nay, tôi phải bám trận địa chống dịch không được về nhà. Hai vợ chồng có một đứa con trai 15 tuổi, nhưng nó bị chậm phát triển. Hôm qua tôi tranh thủ được chút thời gian gọi điện về hỏi thăm, nó nhìn tôi ngơ ngác không nhận ra, phải lúc sau mới kêu “bố” khiến tôi không cầm được nước mắt”.

Hơn ai hết, anh Đạt hiểu con mình nó cần sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ và người thân. Nhưng anh Đạt kể: “Mấy ngày qua nghe vợ nói, thằng bé bị khủng hoảng tinh thần, cứ ngủ dậy là quậy, đập phá đồ đạc trong nhà”. Theo tài xế này, thời điểm chưa có dịch, cứ tan ca trực là nhanh chóng về bên con nhưng bây giờ muốn về cũng chẳng được. “Tôi có mỗi đứa con mà không chăm sóc chu đáo, thấy đau lòng quá”- anh nghẹn lòng.

Theo chia sẻ của anh Tuấn Đạt, gần 20 năm làm nghề tài xế, trong đó có hơn 4 năm chạy xe cứu thương, chưa bao giờ anh thấy căng thẳng như bây giờ. “Tôi cũng không biết khi nào mình sẽ trở thành F0 và thành hành khách bất đắc dĩ trên chuyến xe chuyển bệnh của các đồng nghiệp”- anh nói.

Nhiều tài xế cho biết công việc vất vả và nguy hiểm nhưng họ vẫn lạc quan. “So với những người khác mình còn rất may mắn. Nhiều người đến giờ xoay được bữa ăn còn khó, mình vẫn có sức khỏe để đi làm, vẫn được hỗ trợ cộng đồng. Thu nhập trong thời điểm dịch bệnh có giảm nhưng đó là khó khăn chung của toàn xã hội. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua để mọi người được bình an trở lại”- anh Nguyễn Văn Tài, tài xế ở Bệnh viện Trung Vương chia sẻ.

Theo Vân Sơn (Tienphong.vn)