Bộ Công an tinh gọn bộ máy, không còn cấp tổng cục
Từ 6/8, Bộ Công an triển khai Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy công an.
Theo đó, Bộ Công an sẽ giảm 6 tổng cục, tinh giản gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng. Cấp công an địa phương sau khi tinh gọn bộ máy, sáp nhập cảnh sát PCCC giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội.
Chia sẻ với chúng tôi, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Chiến lược (Bộ Công an) khẳng định Bộ Công an là đơn vị đầu tiên và quyết liệt thực hiện việc sắp xếp, tinh giản bộ máy.
Cần tâm sáng và bàn tay sạch
- Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy Bộ Công an được thực hiện với quy mô sâu rộng, toàn diện. Là cán bộ trong ngành lâu năm, ông đánh giá thế nào?
- Bộ Công an bỏ 6 tổng cục và 2 đơn vị cấp tổng cục, 126 đơn vị cấp vụ, cục xuống còn 60 đơn vị tương đương. Với quy mô đó, tôi đánh giá đây là một cuộc cách mạng.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an lần này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an. Tuy nhiên quyết tâm chính trị chưa đủ, điều thứ hai là cần phải có "cái tâm sáng và bàn tay sạch".
Cuộc cách mạng này sẽ gặp không ít khó khăn chứ không phải thuận lợi. Bộ Công an giảm 6 tổng cục, tinh giản gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng... Nhiều cán bộ sĩ quan trung, cao cấp được bố trí công việc mới.
Tôi tin rằng sau lần này, Bộ Công an sẽ mạnh lên.
- Trong lịch sử phát triển của lực lượng, Bộ Công an nhiều lần thay đổi, sắp xếp bộ máy. Ông có thể chia sẻ về những lần thay đổi đó theo quan sát trong suốt những năm công tác?
- Từ trước đến nay, Bộ Công an đã hàng chục lần có sự thay đổi, sắp xếp tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, lần này có thể được coi là cuộc tinh giản mang tính cách mạng. Điều đó thể hiện qua việc xóa bỏ tổng cục, sáp nhập các cục…
Bộ máy thu gọn hơn cũng đặt ra yêu cầu lãnh đạo Bộ phải gồng mình làm việc nhiều hơn, tận tụy và tốn nhiều thời gian hơn. So với trước đây, nhiều công việc được lãnh đạo các tổng cục gánh vác một phần.
Mô hình làm việc mới yêu cầu phải có sự thay đổi về cách làm việc so với trước đây. Phong cách làm việc mới cần phải sâu sát cơ sở, phải cụ thể hơn nên cần nhiều thời gian hơn.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tôi cũng không làm ảnh hưởng đến các tổ chức khác. Chỉ có điều, mối quan hệ giữa Bộ Công an với các bộ, ngành khác cần được điều chỉnh lại cho phù hợp mô hình mới. Nhất là với các đơn vị thường xuyên phối hợp như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…
Tôi ví dụ, trước đây có việc này cần Tổng cục An ninh phối hợp với đơn vị nọ. Sau khi tinh gọn, không còn Tổng cục An ninh nữa thì cần phải điều chỉnh để đảm bảo công việc.
Cán bộ khó tránh khỏi tâm tư
- Sắp xếp dẫn tới những tình huống như "tổng cục trưởng xuống làm cục trưởng"... Vậy làm thế nào để tránh tâm tư trong đội ngũ cán bộ và để đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ, công tác?
- Tất nhiên sau đợt tinh giản và sắp xếp lần này, lúc này hơn lúc nào hết, theo tôi các sĩ quan trung, cao cấp ngành công an cần đặt lợi ích phục vụ nhân dân lên trên hết.
Về tâm tư của cán bộ thì rất khó tránh khỏi. Theo tôi, sau khi sắp xếp, từng người phải tự giải quyết bài toán về mặt tư tưởng của mình.
Một năm nay, chủ trương sắp xếp, tinh giảm bộ máy của Bộ Công an đã được đưa ra để tham khảo và thảo luận dẫn đến trạng thái chờ đợi. Do đó, chủ trương đó có hiệu lực ngay từ 6/8 là điều cần thiết.
Sau nhiều vụ án lớn giai đoạn vừa qua như vụ án liên quan ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa hay Vũ "nhôm", tôi cho rằng lãnh đạo Bộ Công an thấy được nhiều bất cập và họ khắc phục. Vì thế, tổ chức mới lần này chỉ có làm cho lực lượng công an gọn gàng hơn và mạnh thêm.
Chủ trương lần này cũng thể hiện quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng trong ngành. Như tôi đã khẳng định, lãnh đạo Bộ cần phải có phải "tâm sáng và bàn tay sạch" thì mới làm được.
- Khó khăn lớn nhất mà Bộ Công an có thể gặp phải khi tinh giản bộ máy là gì?
- Việc tổ chức tinh gọn bộ máy giúp Bộ Công an hoạt động hiệu quả hơn. Với tổ chức mới thì phong cách làm việc của lãnh đạo và cán bộ, sĩ quan cũng cần đổi mới. Tôi cho rằng phải thay đổi từ phong cách lãnh đạo, quản lý, thiết kế lại mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, Trung ương với địa phương và phải phân rõ trách nhiệm.
Có thể một thứ trưởng phải phụ trách một vài vụ, cục và tỉnh, thành; chịu trách nhiệm về các đơn vị phụ trách đó. Theo tôi trước đây điều đó chưa được phân công rõ ràng.
Ngoài ra, với mô hình tổ chức mới, cũng cần phải thiết kế lại mối quan hệ giữa Bộ Công an với các đơn vị tương đương khác trong Chính phủ. Tôi tin rằng lãnh đạo Bộ Công an sẽ làm được.
Theo tôi, khó khăn lớn nhất sau lần tinh giảm này, đó là việc giải quyết bài toán về tư tưởng của cán bộ, nghĩa là phải tự ổn định về mặt tâm tư.
Theo Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)