Phát biểu tại đây, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT cho rằng tình trạng vi phạm giao thông "tràn lan ở Hà Nội", đặc biệt là nhiều thanh thiếu niên không đội mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4, "vi phạm ngang nhiên".
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an. Ảnh:Bá Đô |
Cũng theo ông Hà, tình trạng uống rượu bia lái xe hiện rất phổ biến ở các thành phố lớn, gây nguy hiểm trực tiếp đến người tham gia giao thông và làm tỷ lệ tai nạn giao thông tăng cao. "Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã có hiệu lực, đây là bảo bối, là cơ sở pháp lý để chúng ta làm kiên quyết hơn, mạnh tay với những trường hợp vi phạm giao thông", ông Hà nhấn mạnh.
Đề cập đến quy định xử phạt vượt đèn vàng, đèn đỏ trong Nghị định 46, ông Hà cho rằng nhiều người không hiểu luật, kể cả một số cơ quan báo chí, nên đã tuyên truyền sai về việc xử phạt. "Thực chất quy định này không mới và đã có từ nhiều năm qua, chỉ có chút thay đổi về chế tài xử phạt", ông Hà nói.
Việc tăng chế tài xử phạt với hành vi vi phạm đèn tín hiệu theo ông Hà là "rất đúng vì trước đây nói chả ai nghe, không chấp hành, nên phải làm nghiêm mới có thể thay đổi tình hình giao thông được".
Cảnh sát giao thông Hà Nội ra quân xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông để đảm bảo trật tư, an toàn giao thông ngày truyền thống Công an nhân dân và quốc khánh 2/9. Ảnh: Bá Đô |
Tại cuộc ra quân, Thiếu tướng Hà nói với cán bộ, chiến sĩ phòng cảnh sát giao thông Hà Nội là khi xử lý vi phạm ngoài đường phải cứng rắn, kiên quyết đấu tranh với những trường hợp vi phạm, tội phạm... Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội cần quán triệt chiến sỹ việc khi người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề thì không phải xuất trình.
"Chúng ta ra đường xử lý vi phạm được các cấp có thẩm quyền cho phép, trên ngực có bảng tên, biển hiệu, có thẻ đàng hoàng nên người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề hay kiểm tra tem kiểm định của máy bắn tốc độ là không đúng, họ không có quyền như vậy", Thiếu tướng Hà nói.
Theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ, từ 1/8 khi tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức tiền từ 1,2 đến 2 triệu đồng. Quy định này sau đó đã gây ra tranh cãi, vì nhiều ý kiến cho rằng "đèn vàng mà vượt cũng bị phạt thì không cần dùng đèn đỏ nữa, đề nghị bỏ đèn đỏ cho đỡ tốn kém".
Đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, theo quy định của Nghị định 46/NĐ-CP quy định về XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (có hiệu lực thi hành từ 1/8/2016), có các mức xử phạt như sau: - Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng. - Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông. Ngoài việc bị phạt tiền, tùy trường hợp cụ thể, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe theo quy định. |
Theo Bá Đô (VnExpress.net)