Ngày 21/9, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT cho biết, thứ tư (ngày 22/9) Cục sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ban ngành, chuyên gia để thiện Đề án đấu giá biển số xe trên toàn quốc và trình Chính phủ, Quốc hội trong năm nay.
Đề xuất cho người dân chọn biển số xe theo sở thích-nhu cầu
Theo Đại tá Bình, "Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ 2008 đang cấm việc mua bán biển số, đây là một rào cản pháp lý cho việc đấu giá biển số xe, do vậy để thí điểm đấu giá được phải sửa luật, hoặc Quốc hội sẽ quyết định và đưa ra Nghị quyết thì mới có thể triển khai".
Để hoàn thiện Đề án này, lãnh đạo Cục CSGT cho biết đã nghiên cứu và đưa ra các phương án cụ thể để xin nhận ý kiến đóng góp, Cụ thể, Cục CSGT đưa ra đề xuất theo hướng khi đấu giá sẽ thông báo rộng rãi cho người dân và đưa ra mức giá khởi điểm.
"Mức giá này quyết định và được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, phù hợp với nhu cầu của người dân và đảm bảo nâng cao hiệu về quản lý nhà nước", đại tá Bình nhấn mạnh.
Liên quan đến việc đấu giá như thế nào?, Cục phó Cục CSGT cho rằng, "việc đấu giá sẽ do một công ty đấu giá độc lập đảm nhiệm. Ví dụ hàng tháng, ở Hà Nội có bao nhiêu biển số sẽ được được đưa lên trang mạng để công khai và người dân có thể lựa chọn, khi biển số có nhiều người cùng thích, cùng muốn sở hữu thì sẽ đưa ra đấu giá và ai trả giá cao nhất thì người đó được sở hữu".
Cũng theo lãnh đạo Cục CSGT, "hiện nay việc bấm biển số đang theo quy trình ngẫu nhiên nên không có quy ước số đẹp hay số xấu và khi đấu giá biển số xe cũng vậy, chúng tôi không đưa ra khái niệm số đẹp, số xấu vì đẹp hay xấu là do cảm tính, sở thích của từng người. Do vậy Cục CSGT sắp tới sẽ đề xuất để cho người dân lựa chọn biển số theo sở thích, nhu cầu".
Không cấm mua bán, trao đổi biển số xe qua đấu giá?
Liên quan đến việc người trúng đấu giá biển số xe có được mua bán, chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế hay không?, đại diện Cục CSGT cho rằng trong đề án, Cục cũng tính đến các phương án để các Bộ, ban ngành, các địa phương cùng tham gia, đóng góp ý kiến.
Cụ thể, đề xuất theo phương án 1 là sẽ giữ nguyên theo luật hiện hành, cho phép đấu giá biển số, được phép sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi.
Phương án 2 là cho phép người dân được mua bán, cho tặng, trao đổi và cần quy định vào luật các quyền cụ thể.
"Tuy nhiên phương án nào thì cũng phải đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản công, đảm bảo quản lý nhà nước về trật tự xã hội…" đại tá Bình nhấn mạnh.
Qua học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển trên thế giới về việc quản lý biển số xe, lãnh đạo Cục CSGT cho biết sắp tới cũng sẽ tham mưu, đề xuất với các cấp theo hướng, đối với xe mua bán, trao đổi, kể cả mua bán trong một địa phương hay ra ngoại tỉnh sẽ phải giữ lại để gắn với chủ sở hữu. Chủ biển số xe này khi mua xe mới sẽ gắn biển số cũ vào xe của mình.
"Việc giữ lại biển số và biển số gắn theo người, gắn theo tên trong giấy đăng ký xe khiến người dân có trách nhiệm đến cùng với phương tiện, tài sản do mình sở hữu và giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong quá trình quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội", đại tá Bình cho hay.
Dự kiến nếu thuận lợi, Đề án được Quốc hội chấp thuận và ra Nghị quyết thì việc thí điểm đấu giá biển số xe sẽ diễn ra trong năm 2022.
Từ năm 1993, Cục CSGT từng đề xuất đấu giá biển số xe, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai.
Nhiều năm trước, Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo và đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi" vì vướng thủ tục pháp lý.
Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn).
Trong năm 2020, Bộ Công an từng đưa nội dung này vào Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông để trình Chính Phủ, Quốc hội, tuy nhiên chưa được thông qua.
Theo Thiên Sơn (Tổ Quốc)