Cục Đường bộ Việt Nam nêu lý do xoá chữ 'Sơn Hải bảo hành 10 năm' trên cao tốc

04/11/2024 13:51:47

Nhà thầu Sơn Hải gắn dòng chữ "Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên biển báo hiệu đường bộ cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là không đúng quy định pháp luật.

Những ngày qua xôn xao thông tin Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) gửi đơn tố giác đến Công an tỉnh Thanh Hóa về hành vi phá hoại biển báo trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu chạy qua tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Trên biển báo ngoài các thông tin về tuyến đường, quy định giới hạn tốc độ, dưới cùng còn có thêm dòng chữ “Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm”.

Đây là tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam do nhà thầu Sơn Hải thi công theo hình thức đầu tư công (sử dụng vốn ngân sách nhà nước) được đưa vào khai thác ngày 1/9/2023. 

Cục Đường bộ Việt Nam nêu lý do xoá chữ 'Sơn Hải bảo hành 10 năm' trên cao tốc
Dòng chữ "Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên biển báo ở cao tốc Nghi Sơn- Diễn Châu 

Doanh nghiệp này cho rằng một nhóm người đã đi dọc cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu và phá hoại 9 biển cam kết bảo hành 10 năm của Tập đoàn Sơn Hải từ Km380+000 đến Km385+200 thuộc gói thầu XL01.

Được biết, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - đơn vị bảo trì cao tốc) chính là đơn vị thực hiện gỡ bỏ những biển báo này. Đại diện Vidifi lý giải, ngày 1/10, Vidifi nhận được được công văn của Khu Quản lý đường bộ II yêu cầu điều chỉnh một số biển chỉ dẫn bất cập, gây hiểu lầm cho chủ phương tiện tham gia giao thông khi vào ra cao tốc.

Công văn nêu rõ tại 9 vị trí trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu gắn biển chỉ dẫn thêm dòng chữ "Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" là chưa đúng quy chuẩn. 

Còn Khu Quản lý đường bộ II cho biết, việc tháo biển báo hiệu tại gói thầu do Tập đoàn Sơn Hải thi công tại cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu để xóa bỏ dòng chữ "Đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" được thực hiện theo chỉ đạo của Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam.

Tại hồ sơ thiết kế dự án được các cơ quan có thẩm quyền duyệt, hồ sơ hoàn công đối với hạng mục biển báo có thiết kế và nội dung về tên đường, tốc độ tối đa, tối thiểu, không có thông tin bảo hành của nhà thầu.

Giữa năm 2024, Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng đi kiểm tra dự án đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư) chỉ đạo nhà thầu thi công phải sửa chữa, khắc phục đúng theo hồ sơ thiết kế.

Tuy nhiên, sau đó các bên không thực hiện nên Khu Quản lý đường bộ II đã yêu cầu đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa ngay những biển báo không đúng với hồ sơ thiết kế, có dòng chữ quảng cáo không đúng quy chuẩn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Điều 45 Luật Giao thông đường bộ quy định biển báo hiệu đường bộ thuộc về công trình báo hiệu đường bộ.

Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định: "Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ".

Tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019 về báo hiệu đường bộ thì trên các biển báo hiệu không có quy định ghi thời gian bảo hành công trình, hoặc cam kết về thời gian bảo hành công trình.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cũng nhấn mạnh, Luật Xây dựng và quy định khác của pháp luật xây dựng cũng không có quy định về việc phải gắn biển cam kết bảo hành trên công trình xây dựng.

Do vậy nhà thầu Sơn Hải gắn dòng chữ "Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên biển báo hiệu đường bộ cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là không đúng quy định pháp luật.

Cục Đường bộ cũng khẳng định, đây là dự án xây dựng đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Công trình sau khi hoàn thành sẽ  phải lập hồ sơ và giao cơ quan nhà nước quản lý tài sản. Do đó, nhà thầu Sơn Hải nói biển báo hiệu trên đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là tài sản của doanh nghiệp là không đúng.

Theo N.Huyền (VietNamNet)

Nổi bật