Cử tri Hà Nội mong Tổng bí thư mau bình phục

04/05/2019 13:49:31

Đại diện cử tri quận Hoàn Kiếm bày tỏ sự ủng hộ cao với công tác chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng do Tổng bí thư chỉ đạo.

Sáng 4/5, các Đại biểu quốc hội đơn vị số 1 (TP Hà Nội) tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ bảy. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thuộc đơn vị này nhưng hôm nay không tham gia.

Cử tri Hà Nội mong Tổng bí thư mau bình phục
Ông Trần Ngọc Toán nêu ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 4/5. Ảnh: Võ Hải.

Trước khi trình bày bài phát biểu chuẩn bị sẵn, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình) đã bày tỏ tình cảm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. 

"Những ngày qua nhân dân rất lo lắng khi nghe tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không được khỏe. Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sức khỏe của Tổng Bí thư đã ổn định, cử tri rất vui mừng. Dân mong lắm đồng chí mau bình phục tốt. Hơn lúc nào hết nhân dân thể hiện sự ủng hộ cao và tuyệt đối với công tác chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng và suy thoái được đồng chí chỉ đạo", ông Hoàn nói.

Nêu ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng, ông Hoàn cho biết, cử tri rất lo ngại trước việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mà chỉ nhắm vào tiêu chí "tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ...", sinh ra chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm.

"Hướng tới Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới, cử tri và nhân dân mong Đảng tìm được người đủ đức, đủ tài, không mắc căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, có thể gánh vác được công việc cho nước và cho dân. Người dân mong Đảng rút ra được bài học đau xót từ khóa 12 khi để lọt vào bộ máy nhiều cán bộ cấp cao có nhiều vi phạm, trong đó có cả Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương, nhiều tướng lĩnh...", ông Hoàn phát biểu. 

Cử tri Hà Nội mong Tổng bí thư mau bình phục - 1
Tư lệnh quân khu thủ đô Trần Hồng Thái thông tin nội dung dự kiến kỳ họp thứ 7. Ảnh: Võ Hải.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Công Bắc (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, việc xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo ông dư luận mong muốn công tác phòng chống tham nhũng làm triệt để, công khai, nghiêm minh hơn nữa và điều quan trọng là phải thu hồi được tài sản.

Một số cử tri cũng nêu ý kiến về những nội dung trong Dự Luật lao động sửa đổi như quy định tăng tuổi nghỉ hưu; đề xuất thêm ngày nghỉ lễ 27/7. Những bức xúc trước giá điện tăng; đề xuất đóng dấu mật vào giá điện... cũng được cử tri đề cập.

Thay mặt tổ đại biểu số 1, bà Bùi Huyền Mai - Phó đoàn Quốc hội TP Hà Nội tiếp thu ý kiến liên quan đến các dự luật Kiến trúc; Bộ luật lao động sửa đổi; Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Giáo dục sửa đổi... Liên quan đến việc tăng giá điện, bà Mai thông tin, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương thành lập đoàn kiểm tra và báo cáo trong tháng 6/2019, đảm bảo minh bạch, công khai.

Về ý kiến cần ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, bà Mai cho biết, trong năm 2018 Hà Nội đã khởi tố 47 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 44 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Ủy ban Tư pháp vừa qua đã tổ chức phiên điều trần riêng về nội dung liên quan đến các vụ án xâm hại trẻ em. Dự kiến năm 2020, Quốc hội sẽ giám sát tối cao về nội dung này.

Bà Mai bày tỏ mong muốn từ nay đến trước khi diễn ra kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của cử tri và nhân dân hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.

Tư lệnh quân khu thủ đô Nguyễn Hồng Thái cho biết, kỳ họp thứ bảy sẽ khai mạc từ ngày 25/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 15/6. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét quyết định một số nội dung quan trọng như thông qua 7 dự án luật (Luật Giáo dục sửa đổi; Luật Kiến trúc...).

Theo Võ Hải (VnExpress.net)