Người đào được củ sâm “khủng” là anh Hồ Văn Chiêu, trú tại làng Tu Ton, thôn 4, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.
Báo VietNamNet dẫn lời anh Hồ Văn Chiêu cho biết, cách đây khoảng 5 hôm anh lên đỉnh Ngọc Linh để săn tìm sâm Ngọc Linh tự nhiên và may mắn phát hiện được cây sâm Ngọc Linh hơn 100 năm tuổi (củ sâm có 100 đốt, mỗi đốt tương ứng với 1 tuổi).
Anh Hồ Văn Chiêu là người đào được củ sâm “khủng”. Ảnh: VietNamNet |
Ngay sau khi đào được, anh Chiêu mang củ sâm quý hiếm này về xã Trà Cang, huyện Nam Trà My và bán cho bà Thương, chủ cửa hàng tạp hóa với giá 200 triệu đồng.
Báo VietNamNet cũng cho biết theo giới chơi sâm và sưu tầm sâm Ngọc Linh cổ, đây là củ sâm quý hiếm, được tìm thấy tại vùng rừng núi Ngọc Linh kể từ 20 năm nay. Củ sâm Ngọc Linh này được xem là “khủng” nhất tại vùng núi Ngọc Linh còn sót lại kể từ ngày cây sâm Ngọc Linh bị săn tìm và có nguy cơ bị tuyệt diệt từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Củ sâm Ngọc Linh “khủng” 100 năm tuổi, nặng gần 1kg vừa được tìm thấy ở núi Ngọc Linh. Ảnh: VietNamNet |
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện đang tìm cách mua lại để gửi vào ngân hàng gien và trưng bày. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn về ngân sách và giá quá cao nên đang tìm cách thương lượng để mua lại củ sâm quý hiếm này.
Được biết, sâm Ngọc Linh hay còn gọi là sâm K5 là loài sâm quý hiếm mà người Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh dùng làm thuốc chữa bệnh và được xem là cây thuốc dấu của đồng bào Xê Đăng.
Sâm Ngọc Linh là một dược liệu quý có tác dụng tốt cho sức khỏe con người như chống stress, giảm căng thẳng thần kinh, chống trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, bảo vệ tế bào gan.
Bình sâm 'khủng' tại UBND TP Tam Kỳ. (Ảnh Dân việt) |
Tại Việt Nam, một cây nhân sâm ‘khủng’ khác cũng khiến không ít người trầm trồ khen ngợi.
Đó là cây sâm được ngâm trong chiếc bình cao khoảng 1m, dạng bình tròn, phía bên trong có đến vài chục củ sâm Ngọc Linh quý hiếm nối gắn dính với nhau tạo thành một củ “sâm khủng” rất đẹp mắt tại trụ sở UBND TP Tam Kỳ (Quảng Nam).
Nói về cây sâm này, trao đổi trên báo Dân Việt, ông Hồ Quang Bửu cho biết: “Bình sâm đó là huyện tặng theo tình kết nghĩa. Nhiều củ nhỏ gắn dính lại chứ không phải một củ, cái này là do bà con nông dân góp lại tặng chứ không phải lấy tiền nhà nước mua tặng".
Theo Tình Nguyên (Nguoiduatin.vn)