Sau 3 phát tiêm, ông Đắc ra mồ hôi nhiều, mệt mỏi nên được bà Trưởng trạm Y tế xã lấy sữa uống. Thấy không đỡ, Trưởng trạm Y tế tiếp tục tiêm thêm một loại thuốc khác thì có hiện tượng sốc phản vệ và bệnh nhân này tử vong tại nhà.
Thông tin ban đầu cho biết, trước đó vào khoảng 7h30’ ngày 22/7, ông Trần Đình Đắc (62 tuổi, trú ở thôn Yên Thịnh, xã Mã Thành, Yên Thành) có biểu hiện của mệt mỏi. Thấy không yên tâm, ông Đắc đạp xe sang nhà bà Hà Thị Lương (SN 1967 - Trạm trưởng Trạm y tế xã Tiến Thành) để nhờ chữa trị.
Tại đây, sau khi thăm khám, bà Lương đo huyết áp cho ông Đắc thấy bình thường (85/50) nên đã tiêm thuốc trợ tim loại Nikethamet và Piracetam. Khoảng 5 phút sau, bà Lương thấy ông Đắc ra mồ hôi nhiều nên đã lấy một hộp sữa tươi cho ông Đắc uống nhưng không hết.
Người thân ông Đắc làm lễ mai táng sau sự việc xảy ra. |
Ít phút sau, thấy ông Đắc có dấu hiệu bất bình thường và không ổn định nên bà Lương quyết định tiêm thuốc Adrenalin và Solu - Medrol (thuốc sốc phản vệ). Khi tiêm xong bà Lương thấy ông Đắc mở mắt, tim đập bình thường. Tuy nhiên, chỉ được ít phút sau bỗng dưng ông Đắc có nhiều biểu hiện như sùi bọt mép, lên cơn co giật…
Thấy ông Đắc nguy kịch, bà Lương nói với chồng cho ông thở ô xy và gọi xe cấp cứu rồi chở về nhà ông Đắc. Chừng 30 phút sau thì ông Đắc tử vong.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương hai xã Mã Thành và Tiến Thành (Yên Thành) đã báo cáo lên cấp trên đồng thời lập biên bản sự việc.
Bà Lương - Trạm trưởng Trạm y tế xã Tiến Thành chia sẻ sự việc với PV. |
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, bà Lương cho rằng việc bà thăm khám cho ông Đắc là đúng quy trình. Riêng việc ông Đắc tử vong chỉ là tai nạn nghề nghiệp.
Cũng theo bà Lương thì sau khi ông Đắc tử vong, gia đình bà đã hỗ trợ gia đình ông Đắc trong quá trình làm hậu sự và gia đình ông Đắc cũng không có yêu cầu nào về việc bồi thường hay kiện cáo gì cả.
Trao đổi với PV, bác sĩ Phan Trọng Thông - Phó giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành cho biết: Sau khi xảy ra sự việc về phía bệnh viện cũng đã nắm bắt được sự việc. Ông Thông cũng cho rằng, về chuyên môn có thể là do bệnh nhân sốc phản vệ trong quá trình khám chữa nên dẫn tới tử vong.
Trạm Y tế xã Tiến Thành nơi bà Lương công tác. |
Được biết, bà Hà Thị Lương đã hoạt động trong nghề y hơn 20 năm. Trước đây bà Lương làm Trạm trưởng trạm y tế tại xã Mã Thành sau đó chuyển về công tác tại xã Tiến Thành.
Ngoài công việc ở trạm, bà Lương còn có phòng khám riêng tại nhà và đã được Sở y tế tỉnh Nghệ An cấp giấy phép chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh vào năm 2014.
Theo Tú Duy (Dân Trí)