Khác với giấc mơ "đổi đời" từ những tấm vé số của người mua, những người bán vé số giống như ngoại Linh chỉ mong kiếm được chút tiền lời để đắp đổi qua ngày từ những tấm giấy lộn đầy màu sắc. Vì vậy, sau khi xổ số kiến thiết dừng hoạt động kể từ ngày 1/4, nhiều người bán vé số rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi chiếc cần câu cơm đã mất. Có người phải khăn gói về quê, người cố gắng bám trụ, sống lay lắt qua ngày nhờ sự hào hiệp, nghĩa tình của Sài Gòn.
"Ngoại mừng lắm, bán vầy mới có tiền đóng trọ, may tháng rồi bà chủ hổng lấy tiền"
Gần một tháng gặp lại sau những ngày cách ly toàn xã hội, vẫn chiếc áo khoác bạc màu, tay cầm xấp vé số ngồi ở một góc ngã tư đường Bình Quới - Thanh Đa, ngoại Linh nở một nụ cười hiền hậu khi đã chính thức quay lại công việc bán vé số.
Dù chiều 29/4 mới diễn ra hoạt động xổ số kiến thiết nhưng từ sáng 28/4, các đại lý lẫn người bán vé số đã bắt đầu công việc sau gần một tháng tạm ngưng để "cách ly toàn xã hội".
Có tận 4 người con, điều kiện kinh tế khá giả nhưng vì buồn chuyện con cái, ngoại Linh quyết định bỏ nhà ở quê (Đắk Lắk) để vào Sài Gòn, tự bươn chải kiếm sống. Tuy có vất vả nhưng số tiền mà ngoại kiếm được mỗi ngày từ những tấm vé số cũng giúp ngoại có cơm no ngày ba bữa. Khác với vẻ buồn bã trong ngày bán vé số cuối cùng (31/3), ngoại Linh cho biết nhờ có sự giúp đỡ, cưu mang của mọi người, ngoại đã đủ ăn, đủ mặc trong những ngày cách ly.
"Nay bán lại rồi ngoại mừng lắm, bán vầy mới có đồng ra đồng vô, đóng tiền nhà trọ đồ. Tháng trước nhà trọ họ hổng có lấy tiền, bà chủ nhà cho luôn... Bà chủ phải tốt bụng chứ, chứ ngoại lấy tiền đâu mà trả", vừa nói, ngoại Linh vừa cười, giọng hào sảng.
"Mọi người tốt lắm, thời gian vừa rồi ngoại ăn no đủ, bên phường (phường 27, quận Bình Thạnh) cũng cho ngoại 1 triệu mà ngoại mua toa thuốc hết mấy trăm rồi. Có người thì cho ăn sáng, anh bán thịt bò cũng cho 1 cục thịt bò về kho ăn, người ta cho cá..., thương ngoại lắm", nói đoạn, ngoại Linh trầm ngâm.
"Nhưng mà mình ăn của người ta, cái ăn là cái nợ đó con, của mình tạo ra là hạnh phúc nhất, nên khi biết vé số được bán trở lại, ngoại vui lắm. Nay bán được nhiều lắm à, sáng giờ hơn 100 tờ rồi. Mà hổng phải ngoại bán giỏi đâu hen, người ta thương ngoại, quen biết nên mua giúp, nay bán mai xổ nè", ngoại Linh vui vẻ nói.
Hi vọng mới trong căn nhà vé số giữa Sài Gòn...
Nằm sâu trong con hẻm 406 (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM), căn nhà trọ nhỏ là nơi sinh sống của hơn 10 người bán vé số dạo mưu sinh. Vừa mới từ quê (Phú Yên) vào Sài Gòn lúc 5h sáng 28/4, vợ chồng chú Đinh Văn Thông (66 tuổi), không giấu được sự vui mừng khi bắt đầu từ tối nay, chú có thể tiếp tục công việc thường ngày.
"Nói chứ mừng lắm con ơi, ở quê mà nóng ruột, ngày nào cũng theo dõi tin tức, báo đài, điện thoại vô mấy người trong này để hỏi. Hôm qua nhận được tin vé số bán trở lại là vợ chồng chú vô liền, chứ ở nhà hoài thì làm gì có tiền mà sống", chú Thông xúc động.
Đi bán vé số dạo khoảng 20 năm, chú Thông cho biết đó là nguồn sống duy nhất của gia đình khi chú phải chăm lo tiền thuốc men cho vợ, cô Xem (65 tuổi, mắc bệnh tim) hàng tháng. Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ cuối tháng 3/2020, vợ chồng chú Thông rời Sài Gòn để về quê sinh sống. "Nói chứ khó khăn lắm con ơi, nhưng ở quê có rau ăn rau, có mắm ăn mắm, chỉ ngặt là bệnh của bà phải đi tái khám thường xuyên, ở nhà hoài không có tiền để chữa trị lại nặng thêm. Giờ mình già rồi, đâu cần ăn sung mặc sướng, 2 vợ chồng chỉ mong ngày kiếm được khoảng 200 ngàn, lo cơm 3 bữa rồi tằn tiện mua thuốc men mà thôi", chú Thông tâm sự.
Ngồi bên cạnh chú Thông, cô Xem cho biết bản thân mình mắc bệnh tim, không thể đi làm được nên mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều nhờ chú Thông. "Mỗi tháng tiền thuốc men khoảng gần 3 triệu, mình có làm được gì đâu, vô đây lúc nào chú mệt cô cũng còn đi lòng vòng bán vài chục tờ vé số, vô xe đắt lắm, mà cũng ráng thắt bụng để vô. Nói chứ mừng lắm con ơi, dịch này ai cũng khổ cả, đâu thể nhờ ai giúp đỡ được đâu", cô Xem nói.
Có lẽ không chỉ riêng vợ chồng chú Thông, ngoại Linh mà với tất cả những người bán vé số dạo ở Sài Gòn, việc được quay trở lại công việc, tiếp tục mưu sinh trên những tấm vé số là điều mà họ mong mỏi suốt gần 1 tháng qua. Dẫu cho, ở phía trước còn rất khó khăn bởi những tác động từ dịch Covid-19 nhưng hi vọng rằng, những tấm vé số vẫn giúp họ có đủ cơm ngày ba bữa...
Theo Văn Tiên (Trí Thức Trẻ)