Cụ Nguyễn Thị Ngái, 82 tuổi (trú tại tiểu khu Giang Long, thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) nghe đứa cháu gọi “bà ơi có khách”, dẹo dọ từ trong nhà đi ra.
Gặp đúng ngày trời nồm ẩm, nền đường, khoảnh sân, mảnh hiên nhà cụ Ngái nhơm nhớp như có người lấy gáo hắt nước đổ lên.
Nước hòa với lớp bụi than, bùn từ công trường mỏ than Phấn Mễ… tạo thành một thứ chất lỏng nhơn nhớt, trơn trượt như dầu luyn.
Cụ Ngái người nhỏ bé, gương mặt xương xẩu, nhăn nheo. “Tuổi này, người nó như cái “hàn thử biểu” báo hiệu thời tiết thay đổi, xương cốt mỏi nhừ, nhọc lắm”, cụ Ngái chậm chạp nói khi gặp khách.
Ít ai ngờ, cụ bà 82 tuổi ấy, lại là người 15 năm vận hành “trạm BOT làng” kể từ khi cây cầu Đát Ma tồn tại ở vùng đất “khỉ ho cò gáy”. Bà cũng là người dám “đối đầu” với đám trai làng định giở thói “quỵt” phí qua cầu.
15 năm qua, cây cầu đã giúp người dân 2 huyện Đại Từ - Phú Lương thông thương, đi lại được dễ dàng, thuận tiện
Quãng những năm 2000, suối Đát Ma chảy trước cửa nhà cụ Ngái ngăn cách vùng Giang Tiên (huyện Phú Lương) với các xã Phục Linh, Hà Thượng, Cù Vân… của huyện Đại Từ. Người dân từ các xã trong vùng đi ra chợ huyện phải vòng vèo cả chục cây số. Muốn bán mớ rau, con gà, quả trứng… phải đi đường xa, đến nơi thì chợ huyện đã tan, khách đã vãn…
Vì cái sự ấy, gia đình cụ Ngái cùng mấy hộ dân đứng lên dựng một cây cầu bằng tre nứa bắc qua sông, rồi cắt phiên nhau “gác cầu” thu phí theo lượt. Mỗi phương tiện qua cầu thu 1 nghìn đồng; người đi bộ, gồng gánh, thúng mủng, các cháu đi học… thì cho đi nhờ, không thu tiền.
Những lúc mưa rừng, nước sông chảy xiết, cầu tre lắc lư như chiếc lá mỏng giữa vòng xoáy, ảnh hưởng tới an toàn tính mạng người qua cầu. Chính quyền xã yêu cầu dỡ bỏ cây cầu tre không đảm bảo.
"Làm cầu để cho bà con đi, chứ không phải mục đích kiếm tiền. Cho nên, khi xã bảo dỡ, chúng tôi cũng không ngăn cản gì", cụ Ngái kể.
5 năm sau (2005), một công ty nhà nước chuyên xây dựng cầu đường ở thành phố về Phú Lương khảo sát, hợp đồng với huyện, đầu tư một cây cầu dây văng kiên cố, tổng giá trị trên dưới 500 triệu đồng theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Cây cầu ra đời, lừng lững như một “con rồng sắt” mà người dân 2 huyện Đại Từ - Phú Lương chưa bao giờ nhìn thấy. Hai đầu cầu là 2 cột sắt hình chữ "H" dựng kiên cố là điểm neo giữ sợi dây văng đỡ toàn bộ cầu; mặt cầu trải sắt tấm có lỗ nhằm thoát nước…
Cầu có chiều dài 60m, rộng 2,2m, chịu tải trọng 2,5 tấn; tải trọng gió cấp 10 cường độ 80km2.
Tháng 7/2005 câu cầu được xây dựng, tới năm 2006 khánh thành, đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư làm trạm chốt một đầu, cắt hai công nhân trực gác theo ca.
Người dân đi trên cây cầu mới phải trả “phí cầu đường” theo bảng giá niêm yết, mức phí là 2.500 đồng đến 25.000 đồng, tùy theo loại phương tiện; người đi bộ được miễn phí.
Tuy nhiên, không phải ai cũng vui vẻ chấp hành việc trả phí. Nhiều vụ việc hành hung, đánh đập công nhân thu phí cầu Đát Ma, húc “cổng” trạm thu phí hay đứng ì trên cầu gây tắc đường, buộc công nhân phải “xả trạm”.
Bà lão nông dân thành “cai thầu” thu phí "BOT làng"
Gia đình cụ Ngái ở ngay đầu cầu Đát Ma, hướng từ Giang Tiên đi sang xã Phục Linh. Chứng kiến cảnh công nhân thu phí bị hành hung, đánh đập, cụ lấy làm ái ngại…
“Người canh từ vùng khác tới làm công ăn lương, thế nên bị đánh, bị hành hung, họ cũng phải chịu mà không dám cự lại. Hơn chục năm trước, khu vực chúng tôi ở vẫn vùng sâu vùng xa, dân trí thấp, thanh niên nhiều người uống hớp rượu vào trở nên càn quấy.
Có anh làm công nhân mỏ, cuối tháng lĩnh lương mấy triệu đồng toàn tiền 100 nghìn. Thuở đó, mệnh giá ấy to lắm. Phí qua cầu cho xe đạp, xe máy chỉ 2.000 đồng nhưng anh này nhất khoát không trả, với lý do là người địa phương, không phải nộp phí cầu. Thế là cãi nhau, cậy là người làng, anh ta kéo thêm mấy thanh niên trai tráng khác, đánh đập người được cắt cử để thu phí cầu.
Anh này còn chơi bài "cùn", mang 4 triệu tiền lương ra đi qua đi lại cầu. Mỗi lần đi, anh ta đưa tờ 100 nghìn, bắt người canh cầu phải trả lại tiền thừa", cụ Ngái kể.
Nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp khác xảy ra, công an xã phải vào "giải cứu". Cuối cùng, công ty đầu tư làm cầu đến đặt vấn đề nhờ cụ Ngái trông cầu giúp, hỗ trợ công nhân làm nhiệm vụ.
Tính thật thà, thương người, cụ Ngái thu được bao nhiêu tiền, buộc dây chun đưa hết cho chủ đầu tư, không tơ hào một đồng nhỏ. Các cháu học sinh, người già, cô giáo đi học, người buôn thúng bán mẹt, gồng gánh… qua cầu, cụ Ngái đều “mở trạm” không thu tiền, chỉ thu tiền người đi xe máy, ô tô. Những người “sừng sỏ” phản đối, không chịu nộp tiền “qua chốt”, từ khi cụ lên cũng không dám ý kiến.
Đến năm 2007, công ty đến đặt vấn đề “khoán trắng” cho cụ Ngái, mỗi tháng nộp về cho công ty đủ 5 triệu đồng. Cụ đánh liều, nhận lời.
"Việc thu phí bấp bênh lắm, có tháng tôi phải bỏ tiền túi để nộp cho công ty cho đủ số tiền khoán như cam kết, có tháng dư được vài trăm ngàn, lấy công làm lãi. Nhà tôi, hai vợ chồng với cô con dâu thay phiên nhau cắt cử gác chốt, từ 6h sáng đến khoảng 9h đêm. Kiên trì suốt như thế, cả ngày nắng ngày mưa…”, cụ Ngái kể.
"Barie” của trạm “BOT làng” là một cây tre già, một đầu buộc cục gạch cho nặng, đầu còn lại có sợi dây thừng để nâng lên, hạ xuống.
Để đỡ buồn, cụ Ngái có người bạn là chiếc đài radio lắp cục pin tiểu. Cụ Ngái nghe hết từ chương trình này sang chương trình khác, thuộc nằm lòng giờ nào đài phát chương trình gì…
“Từ 1/4, theo đúng cam kết, công ty chuyển giao trạm “BOT làng” cho địa phương. Chắc tôi cũng buồn, vì từ bỏ một thói quen, cứ sáng dậy là ra cầu ngồi, nhìn người này người kia qua lại, quen mặt họ như người thân”, cụ Ngái ngậm ngùi.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND thị trấn Giang Tiên (huyện Phú Lương) cho biết, từ khi cây cầu treo Đát Ma được xây dựng, đưa vào sử dụng, việc đi lại, thông thương của người dân trong vùng đã được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Địa phương đang yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra, bảo dưỡng cầu để bàn giao lại cho người dân. Sau 15 năm xây dựng, trả phí, cây cầu đã trở thành tài sản của bà con.
“Ở Thái Nguyên, đây là cây cầu “BOT làng” đầu tiên được xây dựng. Số tiền 500 triệu thời điểm 15 năm trước địa phương không có kinh phí để làm. Thế nên, phương án “BOT” của cầu Đát Ma, ngày ấy với chúng tôi vừa mới mẻ, lạ lẫm mà cũng nhiều háo hức, chờ đợi”, bà Oanh chia sẻ.
Theo Thái Bình (VietNamNet)