CSGT TP.HCM gồng mình với kẹt xe

26/01/2018 09:03:00

Video: Cuối năm, đường vào cảng Cát Lái kẹt xe từ trưa đến tối

Phó Giám đốc Công an TP.HCM, Đại tá Trần Đức Tài, nghẹn lời khi nhắc đến nỗi cực của CSGT làm việc ở điểm nghẽn vòng xoay Mỹ Thủy.

Số vụ ùn ứ giao thông diễn ra liên tục, hằng ngày và ngày càng phức tạp tại các tuyến đường trọng điểm, các tuyến ra vào cảng, kho bãi, sân bay… Phòng CSGT (PC67) Công an TP.HCM nhận định tại hội nghị tổng kết tình hình và kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP năm 2017 và một số công tác trọng tâm năm 2018 vào ngày 25-1 như trên.

CSGT TP.HCM gồng mình với kẹt xe

Nhiều giải pháp nhưng vẫn còn kẹt

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng PC67, cho biết áp lực lớn nhất tác động lên giao thông của TP là lượng phương tiện đang gia tăng quá nhanh. “Năm 2017 đăng ký mới tăng so với năm 2016 là gần 230.000 phương tiện; trong đó số ô tô đăng ký tăng vượt bậc, lượng ô tô đăng ký mới tăng trên 55.000 chiếc so với năm 2016, xe máy tăng trên 170.000…” - ông nói.

Cơ sở hạ tầng có nhiều chuyển biến nhưng một số tuyến, khu vực có dấu hiệu ùn ứ do hạ tầng chưa đáp ứng như khu vực cầu Kênh Xáng trên đường Dương Bá Trạc (quận 8), khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, hầm vượt sông Sài Gòn… đang gây nhiều ảnh hưởng cho TP. “Phải nói hai khu vực trọng điểm là sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái” - ông nói.

Đối với hai khu vực này, UBND TP đã có quyết định thành lập đoàn liên ngành để trực tiếp theo dõi và có biện pháp tháo gỡ.

Với cảng Cát Lái, PC67 xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với cảng nắm lượng tàu cập bến để ước lượng xe container và lượng xe tải sẽ vào cảng. Khi nắm được số tàu về thì phân bổ nhân viên thực hiện thủ tục cho phù hợp. Cần điều phối lượng hàng vào cảng, không nên dồn vào một thời điểm, tránh xe container đổ dồn về.

CSGT TP.HCM gồng mình với kẹt xe - 1
Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, trao bằng khen của Công an TP cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2017. Ảnh: LÊ THOA

Mặt khác, CSGT sẽ bố trí lực lượng thường trực trên các tuyến này, tổ chức phân luồng thường xuyên; lúc cao điểm lượng xe container gây ách tắc khu vực thì phân làn buộc xe container di chuyển trong một làn, dành một làn còn lại cho phương tiện khác, đảm bảo hoạt động vận tải không ảnh hưởng đến hoạt động chung của TP.

Ngoài ra, CSGT cũng đề nghị thêm với cảng Cát Lái là bố trí một khu vực “túi đựng” để đưa các xe container này vào.

Còn khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, PC67 cũng áp dụng cơ chế tương tự. CSGT phối hợp với sân bay để nắm được lượng người và phương tiện. Đây là mấu chốt để CSGT biết được thời điểm nào người và phương tiện đông nhất để bố trí lực lượng đông nhất.

Trung tá Trần Văn Thương, Phó Trưởng PC67, cũng cho biết: Với khu vực cảng, hiện nay lưu lượng phương tiện ra vào rất cao, mặc dù đã có nhiều giải pháp triển khai, mang lại hiệu quả, tuy nhiên tình trạng ùn ứ vẫn còn xảy ra. “CSGT đề xuất làm đường mới, mở rộng đường, tạo một làn riêng cho xe du lịch, xe cứu hộ cứu nạn để không gây ùn ứ giao thông trên các tuyến ra vào cảng” - Trung tá Thương nói.

Năm 2017 trên địa bàn TP xảy ra 782 vụ tai nạn giao thông đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 705 người chết, 208 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 103 vụ, giảm 93 người chết và giảm 43 người bị thương. 

Nghẹn lời khi nhắc đến vòng xoay Mỹ Thủy

Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP, tham dự hội nghị. Khi nói đến công tác xây dựng lực lượng CSGT, ông nghẹn lời khi nhắc đến việc xử lý ùn tắc của cán bộ tại khu vực cảng Cát Lái. “Vừa rồi anh em làm rất cực, nếu ai đến vòng xoay Mỹ Thủy, đứng đó nửa tiếng đồng hồ sẽ thấy lực lượng CSGT, thanh niên xung phong làm như thế nào” - vị phó giám đốc Công an TP không nói được gì trong gần 20 giây sau đó.

Ông cũng nhận định gần Tết xác suất ùn tắc giao thông sẽ nhiều hơn. Do vậy cơ quan tham mưu phải chọn thời điểm tuyên truyền cho người dân hiệu quả, đường nào kẹt thì hướng dẫn nhân dân đi đường khác bằng sơ đồ, thông qua truyền thông. “Người dân ở tỉnh lên thì biết đường nào kẹt, biết đường nào không?” - ông phân vân.

Ông cũng đề nghị nghiên cứu từng bước hạn chế xe cá nhân, dù đây là bài toán rất khó. Vì đó là nhu cầu thật của người dân trong khi hạ tầng, phương tiện công cộng chưa có hoặc không đủ để đến những nơi người dân cần. “Chỉ có cách tuyên truyền, mong rằng người dân chia sẻ, có ý thức thay đổi phương tiện, tích cực đi phương tiện công cộng hơn, trong nội đô thì tích cực đi bộ hơn; đi bộ vừa có sức khỏe, an toàn, lại giảm ùn tắc” - phó giám đốc Công an TP nhắn nhủ.

Quản lý đua xe thế nào mà lâu lâu lại có vài trận?

Về việc tụ tập đua xe gây rối trật tự công cộng, Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, đề nghị PC67, công an quận/huyện sơ kết công tác này.

Ông cho là phòng, chống đua xe trái phép là phải quản lý đối tượng, ngăn chặn, phát hiện những hành vi đó ngay tại cơ sở. Phải kiểm tra lại, xem cách quản lý thế nào mà lâu lâu cứ để năm, ba chục xe, hết chỗ này tới chỗ kia có chuyện đua xe. Tinh thần nghiệp vụ, cách tiếp cận để quản lý tại cơ sở chứ không phải để họ ra đường đua rồi mới ngăn chặn, đó chỉ là giải pháp tình thế.

Trên thực tế, cảnh sát khu vực, công an phường có biết chiếc xe đó chứ? Trong nhà có xe đó không? Có đến tận nhà nói với gia đình không? Có kiểm tra giấy tờ xe không? Lò độ xe ở đâu, đâu phải ở ngoài mà ở trong TP.

Trong tháng 3 Công an TP sẽ kiểm tra công tác này. Sự phối hợp giữa CSGT và công an hình sự, quận/huyện như thế nào mà để lâu lâu lại có vài trận. Do đó phải đi sâu, đi vào cơ sở chứ không làm trên ngọn.

Theo Lê Thoa (Pháp Luật TPHCM)