Dư luận đang quan tâm nhiều tới câu chuyện thiếu tá cảnh sát giao thông Lê Quang Minh ở Đồng Nai cương quyết bám gương chiếu hậu chặn xe tải vi phạm để xử phạt và bị xe này cán chết.
Lực lượng chức năng điều tra vụ việc thiếu tá CSGT bị xe vi phạm cán chết tại Đồng Nai - Ảnh: H.M |
Chuyện cảnh sát giao thông bị hất lên nắp ca-pô, bị xe vi phạm kéo lê hàng chục mét khi xử lý vi phạm đã từng diễn ra nhiều nơi khiến câu chuyện về tính mạng và sức khỏe của người CSGT khi thực thi công vụ từng được bàn tới nhiều lầu.
Có thể dùng nhiều biện pháp khác
Phản hồi về vụ việc thiếu tá CSGT Lê Quang Minh tử vong, nhiều bạn đọc cho rằng việc những người thực thi công vụ cương quyết với cái sai của người tham gia giao thông để mang lại trật tự cho xã hội là việc rất đáng biểu dương, nhưng phải làm thế nào để không xảy ra hậu quả xấu gây ảnh hưởng đến mình và cộng đồng.
Ở một xã hội mà pháp luật chưa được nghiêm minh, người dân vẫn còn rất “nhờn” với luật pháp, nhất là trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì rất cần sự nghiêm khắc của những người thực thi công vụ. Bởi, có nghiêm khắc được, thì mới mong mang lại một xã hội thượng tôn pháp luật.
Nhưng việc CSGT truy đuổi hoặc cương quyết với những người vi phạm giao thông mới đặt ra vấn đề với hành vi vi phạm hành chính thì lực lượng chức năng nên làm gì thay vì mang cả tính mạng và sức khỏe của mình ra để yêu cầu người vi phạm hành chính chấp hành pháp luật?
“Tôi nghĩ rằng đó là hành động không chuyên nghiệp”, luật sư Phạm Hoài Nam - đoàn Luật sư TP.HCM thẳng thắn khi nói về vụ việc này.
Theo luật sư Nam, có rất nhiều biện pháp phối hợp để có thể xử lý được người vi phạm giao thông như báo cho trạm CSGT phía sau biết, hoặc nếu đủ hình ảnh chứng minh hành vi vi phạm thì có thể “phạt nguội”.
Dù vậy, vẫn có nhiều CSGT đã truy đuổi hoặc có hành vi ngăn chặn những người vi phạm giao thông này bỏ chạy.
“Đó là hành động cực kỳ nguy hiểm. Chúng ta đã nghe, đọc, và thấy những câu vụ việc CSGT bị đe dọa tính mạng sức khỏe thế nào khi ngăn chặn những người này bỏ chạy. Thực tế thì họ vẫn bỏ chạy và sự nguy hiểm không chỉ dành cho họ, cho người thi hành công vụ mà còn gây nguy hiểm cả cho những người đi đường” - Luật sư Nam nói.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Trong thông tư 65 của Bộ Công an quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT có nêu rõ những tình huống xử lý cụ thể trong nhiều trường hợp, tuy nhiên, thông tư lại không quy định về việc CSGT có truy đuổi người vi phạm giao thông bỏ chạy hay không.
“Trong khi những người điều khiển phương tiện xe cơ giới bỏ chạy thì phương tiện của họ trở thành nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ đối với họ, đối với cộng đồng mà với tâm lý bỏ trốn thì còn gây nguy hiểm cho chính lực lượng chức năng".
"Tôi thấy ở Mỹ, khi cảnh sát truy đuổi phương tiện vi phạm, họ thường đuổi theo cho đến khi nào xe của người vi phạm hết xăng chứ không bao giờ chặn trước đầu của chiếc xe vi phạm. Đơn giản bởi hành động đó là rất nguy hiểm không chỉ đến tính mạng của người vi phạm giao thông hoặc người bị tình nghi là vi phạm giao thông" - luật sư Nam nói.
Trong bối cảnh không phải tất cả mọi người tham gia giao thông đều nghiêm túc chấp hành luật lệ giao thông thì vấn đề bảo vệ tính mạng cho mình, cho cộng đồng là quan trọng.
Theo một số luật sư và chuyên gia pháp luật khác, đã đến lúc, Bộ Công an cần quy định cụ thể về việc CSGT sẽ chặn, truy đuổi phương tiện giao thông vi phạm pháp luật khi nào và có cảnh báo tới toàn lực lượng CSGT trong toàn quốc.
Đồng thời, phát huy các cơ chế phối hợp giữa các lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ để người tham gia giao thông không trốn tránh được trách nhiệm đối với hành vi của mình và cũng bảo vệ được sự an toàn tối đa cho tất cả các bên.
Theo Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)