CSGT chỉ được phép còng tay, bắt người trong trường hợp người đó điều khiển phương tiện vi phạm có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc tài sản nhà nước…
Kiểm điểm 3 nội dung
Trước đó, ngày 20-9, trên trang YouTube đăng tải một đoạn clip dài hơn 10 phút quay lại cảnh cự cãi giữa người dân và một CSGT Công an huyện Lắk. Trong clip này, một người dân cho rằng đã đưa tiền cho CSGT, được bỏ qua lỗi vi phạm nhưng khi chạy được một đoạn thì bị CSGT đuổi theo tạm giữ phương tiện. Trong lúc lộn xộn, một CSGT đã dùng còng số 8 còng tay người cự cãi trong khi người này đang có những lời lẽ chửi bới, xúc phạm CSGT.
Theo đại tá Thượng, thông qua vụ việc, Công an huyện đã nghiêm túc kiểm điểm tổ CSGT với 3 nội dung. Thứ nhất, việc một CSGT xưng với người dân “bọn mày” là không đúng, gây phản cảm trong dư luận. Thứ hai, việc người dân dùng điện thoại quay là quyền của họ nhưng một CSGT đã dùng tay gạt khiến điện thoại rơi và hư hỏng. Công an huyện đã chỉ đạo cán bộ CSGT đó phải liên hệ, bồi thường cho người dân.
Thứ ba, nếu lực lượng CSGT xử lý khôn khéo thì không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. “Riêng nội dung người dân phản ánh CSGT nhận tiền, cho đi, sau đó đuổi theo bắt xe, chúng tôi đang tiếp tục điều tra. Nếu có tiêu cực sẽ xử lý nghiêm theo quy định” - đại tá Thượng khẳng định.
Cũng theo đại tá Thượng, việc cán bộ CSGT dùng còng số 8 còng tay người dân trong trường hợp này là hợp lý. Lúc đó, người dân chống đối rất đông, có những lời lẽ lăng mạ, biểu hiện chống người thi hành công vụ nên phải còng tay để mời về làm việc.
Đại úy Lê Tuấn Anh, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Lắk, cho biết ngay sau khi clip đăng tải, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo làm rõ vụ việc. Hiện đơn vị chưa nhận được phản ánh của người dân trong đoạn clip nên chưa nắm được thông tin 2 chiều. Theo báo cáo của CSGT làm nhiệm vụ hôm đó, một người chạy xe máy vi phạm nồng độ cồn nên lực lượng đã lập biên bản để xử lý. Lúc này, có một người đàn ông khác là người nhà của người vi phạm tới cự cãi và xảy ra xung đột với CSGT. Đội phó Đội CSGT làm tổ trưởng hôm đó có phát ngôn một câu không đúng chuẩn mực của người công an nhân dân.
CSGT Công an huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk còng tay người dân cự cãi. (Ảnh cắt từ clip) |
Tùy trường hợp cụ thể
Liên quan đến việc CSGT có được quyền còng tay, bắt người vi phạm hành chính hay không, trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM, cho biết CSGT chủ yếu xử lý vi phạm hành chính. Việc có được còng tay, bắt người hay không phải tùy thuộc vào những trường hợp cụ thể.
Một lãnh đạo khác của PC67 cho rằng CSGT chỉ được phép còng tay, bắt người trong trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc tài sản nhà nước (mặc dù hậu quả chưa xảy ra)... Lúc đó, lực lượng làm nhiệm vụ phải ngăn chặn ngay hành vi bằng nhiều cách khác nhau. Còn nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm hành chính, cự cãi bình thường với lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ thì CSGT không được quyền còng tay, bắt người.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM), Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ thì trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có quyền “được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật” (khoản 5, điều 5). Do đó, CSGT có quyền sử dụng còng số 8 (công cụ hỗ trợ).
Khoản 1, điều 15 của thông tư này cũng có quy định: “Trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì tổ trưởng tổ tuần tra, kiểm soát phải quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính”. Các biện pháp ngăn chặn mà pháp luật hiện hành cho phép người thi hành công vụ sử dụng công cụ hỗ trợ, bao gồm còng số 8.
“Tuy vậy, chưa có điều luật quy định cụ thể những trường hợp nào CSGT sẽ được quyền sử dụng còng số 8” - luật sư Hậu nói.
Về việc bắt người vi phạm hành chính, theo luật sư Hậu, pháp luật hiện hành không quy định việc “bắt người vi phạm” là một hình thức xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, trong trường hợp vì mục đích ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính, người thi hành công vụ có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn như “tạm giữ người”, “áp giải người vi phạm”. “Lưu ý, chỉ những cá nhân có thẩm quyền mới có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn này, tuân thủ theo những nguyên tắc và trình tự thủ tục quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính” - luật sư Hậu nhấn mạnh.
Phải bảo đảm an toàn Về việc rượt đuổi người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn, một lãnh đạo PC67 - Công an TP HCM cho biết về nguyên tắc, khi phát hiện người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, CSGT được phép truy đuổi nhằm ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông và bản thân mình, CSGT phải căn cứ vào tình hình cụ thể. “Nếu người điều khiển phương tiện quá say xỉn, tốt nhất CSGT tạm giữ phương tiện, gọi điện cho người thân của người vi phạm để chở về” - vị này nói. |
Theo Nhóm Phóng viên (Nld.com.vn)