Sáng 26/2, theo ghi nhận của chúng tôi, toàn bộ các hộ dân tại chung cư mini số 22 ngách 236/17 đường Khương Đình (phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) đã rời khỏi nơi ở, lực lượng chức năng đã phong tỏa tòa nhà để điều tra, xử lý sau sự việc 2 trụ cột tầng 1 để xe bị nứt toác.
Tiếng động lớn ngày 30 Tết
Có mặt tại khu vực tòa nhà nằm sâu trong ngách, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân hàng xóm vẫn đang bàn tán xôn xao dù sự việc xảy ra đã vài ngày.
Theo tìm hiểu, chung cư mini số 22 trong ngách được chủ nhà xây trên đất thổ cư vào năm 2017, tòa nhà 8 tầng với gần 60 căn hộ. Hiện tại, các căn hộ chưa thể tách sổ đỏ từ sổ chung của chủ đầu tư, trong số này nhiều căn hộ đã được mua bán qua lại.
Một cụ ông - là người mua nhà tại đây cho biết, thời điểm tòa nhà còn đang xây dựng chưa bàn giao đã có nhiều khách đặt tiền, gia đình ông mua cho người thân một căn 2 phòng ngủ, giá 600 triệu đồng, sau đó căn hộ này đã được bán lại cho người khác.
Về chất lượng tòa nhà, một người đàn ông lớn tuổi là hàng xóm cho biết, cách đây vài năm gia đình ông khi đào móng xây nhà đã cảm nhận được chất lượng chung cư mini "có vấn đề" nên dừng lại, mời thanh tra xây dựng xuống lập biên bản, ghi nhận hiện trường để làm tư liệu sau này.
Trở lại sự việc khiến toàn bộ các hộ dân của tòa nhà phải di dời, vẫn chưa hết hoảng sợ, một số người hàng xóm cho biết, hôm 30 Tết tiếng nổ lớn như pháo, xung quanh nhiều người đều cảm nhận được.
"Thời điểm đó nhiều chủ hộ đã về quê ăn Tết nên không mấy ai quan tâm, do chủ đầu tư vẫn có người đại diện ở đây (trông coi, bảo vệ, dịch vụ - PV) nên kịp thời nắm bắt và từng gọi người tới khảo sát khắc phục, sự việc được báo cáo chính quyền. Thấy tính chất nghiêm trọng nên ngay lập tức chung cư mini này đã bị phong tỏa, mấy hôm nay cảnh sát làm việc liên tục", hàng xóm cho biết, sau sự khi việc xảy ra, một số hộ dân vẫn ở lại tòa nhà vì chưa tìm được chỗ ở tạm. Một số quay lại sau kỳ nghỉ Tết, thấy lực lượng chức năng đang tiến hành phong tỏa mới tá hỏa và nhận được thông tin phải di dời trước ngày 24/2.
Hồi chuông cảnh báo cho sự an toàn của những hệ thống công trình xây dựng
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VP Luật sư Tinh thông luật (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, vấn đề nhà chung cư mini (nhà ở có hai tầng trở lên, mỗi tầng có hai căn hộ khép kín trở lên thuộc sở hữu riêng và có phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư) bị hư hỏng đã không còn xa lạ với nhiều người, nhất là với những người đã, đang và có dự định sống, làm việc tại loại hình nhà ở này. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới quá trình sinh sống và làm việc của cư dân, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo cho sự an toàn của những hệ thống công trình xây dựng, đặc biệt là những tai nạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, điều 85 Luật Nhà ở năm 2014 quy định, trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, thì bên bán, bên cho thuê có trách nhiệm bảo hành nhà ở.
Bên bán, bên cho thuê có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định của pháp luật. Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn tối thiểu là 60 tháng (đối với nhà chung cư) và tối thiểu 24 tháng (đối với nhà ở riêng lẻ). Nội dung bảo hành gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, hệ thống cấp điện sinh hoạt...
Ngoài ra, theo điều 20, 22 và 27 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, bên bán nhà, cho thuê nhà công trình xây dựng có nghĩa vụ bảo hành, bảo trì, sửa chữa nhà, công trình xây dựng đã bán, cho thuê; bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Thời hạn bảo hành nhà, công trình xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở; trường hợp đã hết thời hạn bảo hành thì do các bên thỏa thuận.
Như vậy, từ các quy định trên, khi nhà chung cư bị hư hỏng thì chủ đầu tư, nhà thầu có trách nhiệm bảo hành, chịu chi phí bảo hành và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra (nếu có) trong thời hạn bảo hành. Nếu hết thời hạn bảo hành thì do các bên thỏa thuận.
Chủ đầu tư có trách nhiệm gì?
Chuyên gia pháp lý cho biết thêm, đối với trường hợp nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không còn đảm bảo an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thì sẽ được thực hiện theo điều 93, 96 và 97 Luật Nhà ở quy định về trách nhiệm phá dỡ nhà ở, chỗ ở của chủ sở hữu khi nhà ở bị phá dỡ và phá dỡ nhà ở đang cho thuê.
Chủ sở hữu nhà ở hoặc người đang quản lý, sử dụng nhà ở có trách nhiệm phá dỡ nhà ở; trường hợp phải giải tỏa nhà ở để xây dựng lại nhà ở mới hoặc công trình khác thì chủ đầu tư công trình có trách nhiệm phá dỡ nhà ở. Chủ sở hữu nhà ở tự thực hiện việc phá dỡ nhà ở nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực về xây dựng phá dỡ. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc phá dỡ nhà ở trên địa bàn. Chủ sở hữu nhà ở phải tự lo chỗ ở khi nhà ở bị phá dỡ.
Bên cho thuê nhà ở phải thông báo việc phá dỡ bằng văn bản cho bên thuê biết ít nhất là 90 ngày trước khi thực hiện phá dỡ, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc phá dỡ theo quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp phá dỡ để xây dựng lại nhà ở mà thời hạn thuê vẫn còn, thì bên cho thuê có trách nhiệm bố trí cho bên thuê chỗ ở khác trong thời gian phá dỡ và xây dựng lại nhà ở, trừ trường hợp bên thuê thỏa thuận tự lo chỗ ở.
Sau khi xây dựng xong nhà ở, bên thuê được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng, trừ trường hợp bên thuê không có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó; trường hợp bên thuê tự lo chỗ ở thì không phải trả tiền thuê nhà ở trong thời gian phá dỡ và xây dựng lại, thời gian phá dỡ và xây dựng lại không tính vào thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở.
Liên quan đến sự việc trên, UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 22, ngách 236/17 đường Khương Đình (phường Hạ Đình) thuê đơn vị tư vấn đủ điều kiện, năng lực theo quy định tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm của công trình theo đúng quy định.
Quận Thanh Xuân cũng yêu cầu chủ chung cư mini này thuê đơn vị thi công đủ năng lực, điều kiện để tổ chức thực hiện sửa chữa, gia cố công trình theo quy định, đảm bảo an toàn sử dụng; khi tiến hành sửa chữa, gia cố công trình phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và công trình.
Sau khi sửa chữa gia cố phải được đơn vị kiểm định và các cơ quan liên quan đánh giá đảm bảo an toàn theo quy định mới tiếp tục đưa công trình vào sử dụng. Đồng thời UBND Quận cũng giao nhiệm vụ cho UBND phường Hạ Đình giám sát việc thực hiện.
Trước đó, từ sáng 24/2, khoảng 60 hộ dân sống trong chung cư mini số 22 ngách 236/17 đường Khương Đình được các cơ quan chức năng của Hà Nội yêu cầu phải di dời ra khỏi tòa nhà để đảm bảo an toàn.
Nguyên nhân là do một số cột bê tông, cốt thép ở tầng 1 của tòa chung cư này bị nứt toác từ nhiều ngày nay.
Cụ thể, tại khu vực tầng 1 của tòa nhà - nơi để xe, có hai cột bê tông, cốt thép bị nứt thành những khe lớn ngang, dọc lan khắp từ chân cột lên đến trần nhà.
Trước hiện tượng trên, lực lượng chức năng đã phải gia cố thêm hệ thống giàn giáo bằng sắt chống đỡ xung quanh chân các cột nhà bị xuống cấp. Khu vực gia cố các cột bê tông bị nứt toác cũng được căng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm, cấm vào để đảm bảo an toàn cho các hộ dân.
Theo Minh Ngọc (Phụ Nữ Số)