Không có quy định cho thuê khi không dùng hết công suất
Trả lời PV. VietNamNet về các quy định liên quan đến quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại khu vực hành chính sự nghiệp và sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê, lãnh đạo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) khẳng định rằng: Đối với tài sản công giao cho cơ quan nhà nước để quản lý, sử dụng thì cơ quan nhà nước được sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, không có quy định cơ quan nhà nước cho thuê tài sản khi không sử dụng hết công suất.
"Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản công trong khu vực hành chính sự nghiệp được giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng để phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập", vị này nói.
Còn đối với tài sản công giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng thì đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
"Trường hợp tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất hoặc tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách Nhà nước (NSNN) đầu tư thì đơn vị sự nghiệp công lập được phép sử dụng tài sản để phục vụ các nhiệm vụ chính và các hoạt động có tính chất phục vụ, phụ trợ để cho thuê", đại diện Cục Quản lý Công sản nhấn mạnh và thông tin rằng, các hoạt động chính và hoạt động phụ trợ, hỗ trợ được quy định tại Điều 6 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính.
Theo Cục Quản lý công sản, việc sử dụng tài sản công để cho thuê phải đảm bảo nhiều yêu cầu. Đó là phải được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép (có Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê được cấp có thẩm quyền phê duyệt); không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao.
Bên cạnh đó, tài sản công phải được sử dụng đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
“Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo quy định”, theo Cục Quản lý công sản.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia luật và chính sách công, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Cơ chế quản lý các công trình thể thao, văn hóa nếu có sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ ổn hơn nhiều so với hiện nay, họ quản lý, khai thác các công trình tốt hơn. Nhà nước chỉ cần thực hiện đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cần có sự khảo sát kỹ lưỡng để đưa ra các bài thầu mời đấu thầu, đấu giá, khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư. Nếu nhiều nhà đầu tư quan tâm thì tổ chức đấu giá rộng rãi.
Hiện nay, về mặt pháp lý có hai cơ chế để tư nhân tham gia quản lý, khai thác công trình kết cấu hạ tầng, được quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Quản lý sử dụng tài sản công
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có cơ chế Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M), tức là cơ quan nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp để doanh nghiệp vào quản lý công trình đó, doanh nghiệp sẽ trả tiền cho Nhà nước. Tuy nhiên, điều rất dở là Luật PPP lại giới hạn lĩnh vực, và rất tiếc là công trình thể thao lại không nằm trong lĩnh vực được phép áp dụng PPP. Ngoài ra, hợp đồng PPP cũng lại phức tạp hơn vì phải có sự giám sát doanh thu, để hai bên chia sẻ với nhau mức doanh thu nào đó, chứ không phải số tiền doanh nghiệp trả cho nhà nước là cố định và trả 1 lần.
Còn Điều 83 Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã quy định việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng là việc Nhà nước chuyển giao có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cho tổ chức, cá nhân theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng. Điều 83 này có một cái lợi là kết cấu hợp đồng rất đơn giản, thường là doanh nghiệp trả tiền thuê một lần.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cả hai cơ chế này hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng để triển khai trong thực tế. Khi chưa có sự hướng dẫn rõ ràng thì bối cảnh hiện nay không đơn vị nào dám triển khai. Cho nên, vấn đề quan trọng hiện nay là cần có văn bản hướng dẫn các quy định này.
Còn nhiều nơi vi phạm
Dẫn chiếu theo những quy định được Cục Quản lý công sản đề cập ở trên, rất nhiều đơn vị đang cho thuê sai tài sản công sai quy định.
Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XV ngày 11/10/2022 cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề trong việc cho thuê tài sản công. Trong đó, điểm mặt nhiều đơn vị thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định.
Đơn cử, đoàn giám sát đánh giá hoạt động liên kết tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia chưa phù hợp với đề án được duyệt; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hợp đồng liên kết kinh doanh quán bia hơi chưa đúng mục đích (Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu chấm dứt kinh doanh).
Khu Liên hợp thể thao quốc gia ký hợp đồng cho thuê đất ngắn hạn (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) thuộc khu đất chờ dự án (đã đền bù giải phóng mặt bằng) chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; chưa kê khai, nộp đầy đủ tiền thuê đất theo quy định đối với các hợp đồng liên doanh liên kết cho thuê đất dài hạn thuộc khu đất xen kẹt đã được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm từ năm 2011.
Tại Bộ VH-TT&DL, tính đến thời điểm 31/12/2019, có 33 đơn vị sử dụng tài sản thực hiện liên kết kinh doanh cơ sở vật chất từ 1 đến 10 năm, mục đích liên kết hoạt động dịch vụ (café và dịch vụ phụ trợ... ).
Tổng số tiền thu được từ hoạt động này trong năm 2019 là hơn 117,3 tỷ đồng. Trong đó số thu tại các đơn vị được Bộ VHTT&DL chấp thuận là 68,27 tỷ đồng, số thu của các đơn vị chưa có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê là 49,11 tỷ đồng.
Nhưng một số nội dung chưa thực hiện đúng theo quy định như: Ký hợp đồng cho thuê đất, tài sản trên đất nhưng giá cho thuê chưa thực hiện đấu giá theo Điều 46 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội... ).
Một số đơn vị sử dụng tài sản trên đất cho thuê chưa lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê theo quy định (Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt, Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Viện Khoa học TDTT), chưa nộp tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (Học viện Múa Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội),
Tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hợp đồng quy định thời gian liên doanh liên kết vượt 3 năm so với chủ trương của Bộ VH-TT&DL cho phép. Năm 2011, Nhà hát lớn đã được công nhận là di sản văn hóa nên việc cho thuê liên doanh liên kết và việc bên đối tác tự ý cải tạo một số hạng mục bên trong nhà hát là chưa đúng quy định tại Điều 14 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Điều 32 Luật Di sản.
Ngoài ra, theo đoàn giám sát, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng tài sản công với mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án.
Qua công tác thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính, tại tỉnh Đồng Tháp, có 400 trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng mới chỉ có 70 trường hợp có đề án được phê duyệt.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)