Theo tổ dịch vụ, những năm qua, song song với việc đều đặn thu tiền từ các diện tích đất trồng lúa, họ còn được yêu cầu thu tiền của các diện tích trồng cây hoa màu khác như thuốc lá, đậu, bắp… để phục vụ xây dựng dự án “bê tông hóa kênh mương” với mức 4,5kg lúa khô/sào.
Ông Trần Khắc Luân - cán bộ địa chính UBND xã Ia Peng - cho biết, trên địa bàn diện tích đất trồng lúa là hơn 515ha; diện tích đất trồng cây hàng năm khác là hơn 1043 ha.
Phải mất thêm 7 năm nữa, nông dân mới trả hết khoản nợ cho công trình "27 triệu thành hơn 1 tỷ" này? |
Những khoản thu trên đã kéo dài hơn 1 thập kỷ qua, gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tỵ - Phó Chủ tịch xã Ia Peng - riêng khoản thu bê tông hóa kênh mương phải kéo dài cho đến năm 2021-2022 mới thu đủ để trả nợ cho công trình đang thi công trị giá 1,2 tỷ đồng.
Ông Tỵ cho biết thêm, tổng dân số trên địa bàn xã là gần 1.100 hộ, trong đó hộ nghèo là 344 hộ. Trước đây ông chỉ là cán bộ Văn hóa xã, không nắm bắt được việc này vì ông không phụ trách. Ông mới lên làm Phó Chủ tịch xã nên các vấn đề liên quan về các công trình kênh mương trên ông chưa nắm.
Trước các khoản thu vô lý và những công trình kênh mương gây bức xúc dư luận trên, ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, cơ quan công an đang điều tra, làm rõ.
Ông Tuấn khẳng định huyện không tham gia vào cũng như không có bất kỳ chỉ đạo nào về các khoản thu vô lý trên của xã. Việc thu và quy trình thu thì phải gắn với các công trình xây dựng.
Liên quan đến sai phạm công trình “27 triệu khai khống lên hơn 1 tỷ”, ông Rơ Lan Ni- Chủ Tịch UBND huyện đã có văn bản giao Thanh tra huyện tham mưu để thu hồi số tiền trên. Theo ông Tuấn, nếu số tiền sai phạm trên được làm rõ, thu hồi thì có thể tổ chức trả lại cho người dân hoặc sẽ giữ lại để đầu tư xây dựng công trình kênh mương khác.
Theo Thiên Thư - Trần Linh (Dân Trí)