Những mẹ bầu gặp nhiều khó khăn
Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 60 nghìn công nhân đang phải cách ly trong khu nhà trọ, đây là thách thức lớn với địa phương khi giải quyết các vấn đề an sinh xã hội với lượng công nhân này. Bản thân họ cũng là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Chia sẻ với phóng viên, anh Tùng (công nhân trọ tại thôn Mi Điền, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên) cho biết, vợ chồng anh cách ly tại phòng trọ từ 13/5. Hiện tại, mọi sinh hoạt đều nằm trong phạm vi nhà trọ, nhu yếu phẩm đều do chủ nhà trọ mang về phát cho các phòng.
Điều anh Tùng lo lắng nhất là vợ anh đang mang bầu tháng thứ 5. Đây lại là lần đầu vợ anh mang bầu nên 2 người càng bối rối. Đặc biệt, lịch tiêm chủng cho vợ anh hiện đã bị hoãn
"Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và các mạnh thường quân, chúng tôi được cung cấp thực phẩm nên không bị đói khát, nhưng các bà bầu thì chưa đảm bảo dinh dưỡng", anh Tùng tâm sự.
Tương tự, chị Vũ Thị Mai cũng đang mang thai tháng thứ 7, lại chỉ sống một mình khiến chị lo lắng, đứng ngồi không yên.
"Từ ngày 15/5, sau khi có lệnh phong toả, sợ dịch ảnh hưởng đến con nên tôi không dám ra khỏi phòng. Lịch tiêm phòng uốn ván bị hoãn nên tôi rất lo. Hi vọng dịch sớm qua để mọi người trở lại cuộc sống bình thường, những người đang mang bầu được chăm sóc tốt hơn", chị Mai bày tỏ.
Không chỉ những bà bầu, mà ngay cả với những thanh niên như chị Thoa (quê Hà Giang) thì cũng là những ngày tháng rất khó khăn.
"Mấy lần cứu trợ trước, chủ trọ bị cách ly không lấy được hàng nên tôi toàn phải nấu cháo trắng. Sau mấy ngày, tôi gọi điện cho đoàn cứu trợ thì các anh đã cung cấp thêm rau, trứng và mì tôm.
Chấp hành quy định, chúng tôi phải cố gắng nhưng thực sự thương các chị đang mang bầu. Cuộc sống trong tâm dịch thiếu thốn nhưng khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người, chúng tôi rất biết ơn", chị Thoa bày tỏ.
Mạnh thường quân làng xuất hiện giữa tâm dịch
Kể từ khi dịch bùng phát, Nguyễn Thị Phượng (thường gọi là Linh, làm kinh doanh tại thôn Mi Điền, xã Hoàng Ninh) tất bật với công việc cứu trợ cho bà con và công nhân trong khu trọ bị phong toả.
Hôm 14/5, nhiều thôn tại xã Hoàng Ninh bị phong toả, gia đình chị Phượng đang kinh doanh nhà hàng vì thế cũng phải đóng cửa. Khi chứng khiến nhiều người "không kịp trở tay" trước quyết định phong toả, gia đình chị đã bắt tay ngay vào công tác cứu trợ.
"Thời gian cách ly gấp rút, hầu hết công nhân đều không có sự chuẩn bị cho việc cách ly dài ngày. Đặc biệt, nhiều nhà trọ công nhân còn có cả bà mẹ bầu và trẻ nhỏ. Các bà bầu, trẻ nhỏ sẽ được ưu tiên trao thêm 1 chút quà.
Gia đình đã mua 2 con lợn sau đó mổ chia cho những trường hợp bà bầu, hay bổ sung thêm hoa quả cho các mẹ bầu có thêm dinh dưỡng và những nhu yếu phẩm chuyên dành cho phụ nữ, trẻ em…" chị Phượng cho hay.
Khi nhiều người biết đến việc làm của chị, các đối tác cung cấp thực phẩm của nhà hàng, bạn bè, người thân quen đã chuyển tiền, nhu yếu phẩm để chị giúp đỡ người dân. Được sự chung tay của nhiều người, nhóm của chị Phượng đã trao mỗi lần hàng nghìn xuất quà đến người dân, công nhân tại tâm dịch.
Tương tự, anh Nguyễn Hà (xã Quang Châu, huyện Việt Yên) cũng nhanh chóng gác những công việc cá nhân để tham gia cứu trợ ngay từ những ngày đầu có dịch. Anh cho hay, nhiều trường hợp chủ trọ đi cách ly nên không ra nhận được hàng nên nhóm của anh thường xuyên nhận được cuộc gọi "cầu cứu" của công nhân thuê trọ.
"Nhiều công nhân mới xuống làm chưa có sự chuẩn bị gì đã bị phong toả, ban đầu họ rất hoang mang, cuộc sống của công nhân thuê trọ vì vậy rất khó khăn. Nhưng cũng cố gắng mọi người sẽ cùng vượt qua", anh Hà bày tỏ.
Thông tin với chúng tôi, Chủ tịch Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thị trấn Nếnh - Nguyễn Bá Linh cho biết, trên địa bàn có hơn 20 nghìn người bản xứ và hơn 30 nghìn công nhân. Với số lượng dân rất lớn nên ngay sau khi thực hiện chỉ thị 16, địa phương đã lên các phương án cứu trợ.
Địa phương cũng nhận được sự quan tâm lớn từ các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm và nhóm từ thiện trực tiếp ủng hộ. "Trong giai đoạn khó khăn, công tác cứu trợ chưa thể đảm bảo tuyệt đối, nhưng chắc chắn không để người dân bị đói, khát. Tất cả đang cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Linh nói
Mọi tấm lòng, sự ủng hộ, giúp đỡ người dân, công nhân Bắc Giang xin vui lòng gửi về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang qua số tài khoản: 3761.0.1062613 - 91049 hoặc qua số tài khoản 2500.201.013.004 tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh tỉnh Bắc Giang.
Ngoài ra có thể trao trực tiếp tại Cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh (Địa chỉ: tầng 3, nhà B, Trụ sở Liên cơ quan tỉnh Bắc Giang, Quảng trường 3/2, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Chi tiết xin liên hệ đồng chí Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Phong trào, điện thoại 0913.358.297.
Theo Đặng Thùy (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)