Cuối tháng 12, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre phối hợp với các cơ quan hữu trách của tỉnh tổ chức kiểm tra, bắt quả tang một vụ sản xuất giá đỗ bằng hóa chất Trung Quốc ở xã Long Hòa (H.Bình Đại). Chủ cơ sở sản xuất giá đỗ là bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1963, ngụ ấp Long Thạnh). Khi các cơ quan hữu trách đến cơ sở của bà Hiền để kiểm tra thì phát hiện bà này đang sử dụng chất kích thích tăng trưởng của Trung Quốc và các hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ để tưới vào 172 thùng giá đỗ trong giai đoạn ủ mầm chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện trong nhà bà Hiền đang tàng trữ 520 ống thuốc tăng trưởng dạng nước không màu, trên bao bì có ghi chữ Trung Quốc. Sau khi kiểm tra, cơ quan hữu trách tỉnh Bến Tre đã lập biên bản sự việc, tịch thu tất cả số thuốc tăng trưởng tại nhà bà Hiền và buộc bà này phải tiêu hủy toàn bộ lô giá đỗ có ngâm thuốc, không được đưa ra thị trường tiêu thụ, đồng thời tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
"Tuyệt chiêu" làm giá đổ bằng hóa chất kích thích tăng trưởng
Sau khi sự việc bà Hiền sản xuất giá đỗ bằng hóa chất bị phát giác, nhiều người dân ở 2 xã Long Hòa và Long Định (giáp ranh xã Long Hòa) hết sức hoang mang. Ông Nguyễn Văn Cứ, người dân xã Long Định, lo lắng nói: “Tui hay ghé mấy quán trên tỉnh lộ 833 ăn cháo lòng, hủ tíu, nên thường xuyên sử dụng giá. Không biết lâu nay có ăn phải giá đỗ làm bằng hóa chất của bà Hiền hay không, nếu lỡ ăn thì chẳng biết có nguy hại gì cho sức khỏe?”
Nghe chuyện, Võ Quốc, tay buôn hóa chất từ TP.HCM về miền Tây, cười cười, nói: “Bà này xui lắm mới bị bắt, chứ bây giờ 10 người làm giá đỗ thì… hết 10 sử dụng các loại thuốc, hóa chất kích thích tăng trưởng để rút ngắn thời gian sản xuất, tiết kiệm chi phí nước tưới, nhân công. Mỗi ngày ở các chợ, các quán bán cháo, phở, hủ tíu khắp nơi có hàng trăm tấn giá được người tiêu dùng đưa vào bao tử mà… có ai chết đâu?”
Quốc cho biết, trong những năm 1980 - 2000, nghề làm giá đỗ còn rất sạch và đơn giản. Lúc đó người làm giá dùng hạt đậu xanh bỏ vào các khạp da bò bằng sành, bên dưới đáy có đục những lỗ nhỏ để thoát nước, sau đó dùng miếng đệm đan bằng cọng bàng đậy kín lại. Mỗi ngày phải tưới nước đều đặn từ 3 - 5 lần để hạt đậu có điều kiện nảy mầm, trở thành cọng giá bày bán ngoài chợ. Phải mất từ 72 - 96 giờ đồng hồ ngâm ủ, tưới nước thì từ 1 kg hạt đậu xanh, người sản xuất mới thu được khoảng 5 - 6 kg giá đỗ. Do đó, nếu sản xuất với số lượng lớn thì người làm giá đỗ cần rất nhiều nhân công trong khâu tưới nước, thu hoạch sản phẩm.
Nhưng từ sau năm 2000 đến nay, nhiều cơ sở sản xuất giá đỗ đã rỉ tai nhau “thay đổi công nghệ” bằng cách sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng và các loại hóa chất để đốt cháy giai đoạn, làm quá trình ủ cho hạt đậu nảy mầm thành cọng giá xảy ra sớm hơn so với cách làm giá đỗ truyền thống. Theo Quốc, cách làm giá bằng thuốc kích thích tăng trưởng và hóa chất rất đơn giản: cho 1 kg hạt đậu xanh vào thùng nhựa rồi pha loại hóa chất dạng nước không màu, đựng trong những ống nhựa dung tích 100ml/ống, thường được gọi là chất kích thích tăng trường cây trồng, có xuất xứ từ Trung Quốc, liều lượng sử dụng thích hợp khoảng 500ml/30kg hạt đậu xanh.
Sau khi tưới chất kích thích trăng trường, người làm giá đỗ còn pha 1 chất hóa học có tên là Soda ASH Light với nước lã tưới vào thùng ngâm đậu. 48 giờ sau khi tưới các loại hóa chất này, hạt đậu xanh bung vỏ phát triển thành cọng giá, với trọng lượng thu được từ 12 - 15 kg giá thành phẩm. Nhưng trước khi giao hàng ra chợ hoặc các quán ăn thì người làm giá đỗ tiếp tục pha nước với hóa chất Natri Sulfit (Na2SO3) tưới vào để tẩy trắng cọng giá.
Quốc cho biết, Soda ASH Light có dạng bột màu trắng, có tính kiềm cao và có công dụng tẩy trắng, thường được sử dụng trong công nghiệp sản xuất bột giặt. Nhưng không biết từ đâu mà người làm giá đỗ phát hiện ra loại hóa chất này lại kích thích hạt đậu xanh mau bung vỏ, nên đưa vào quy trình sản xuất, thay cho công đoạn phải ngâm hạt đậu vào nước vôi để bung lớp vỏ cứng bên ngoài trước khi ủ giá. Còn các loại thuốc kích thích tăng trưởng của Trung Quốc và chất tẩy trắng Natri Sulfit thì lâu nay được bày bán khắp nơi, từ các cửa hàng mua bán hóa chất đến các tiệm tạp hóa ngoài chợ, muốn mua bao nhiêu cũng có.
Làm sao để ăn được cọng giá đỗ sạch, an toàn?
Theo ông Nguyễn Văn Bé Năm, 1 người làm giá đỗ lâu năm ở H.Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), cọng giá đỗ sản xuất theo phương pháp tưới nước truyền thống có cọng nhỏ và không đều nhau, thân giá tuy trắng nhưng hơi có màu ngà. Điểm đáng chú ý nhất để nhận biết cọng giá đỗ được sản xuất theo kiểu truyền thống là dưới gốc cọng giá có rất nhiều rễ con. Nhưng thời gian qua do sản xuất giá đỗ bằng phương pháp truyền thống lợi nhuận không cao, nên cọng giá đỗ được bán ngoài chợ và sử dụng trong các quán ăn phần lớn đều được làm bằng hóa chất.
Tuy nhiên, ông Bé Năm cho biết, chỉ cần người tiêu dùng tinh ý là có thể dễ nhận biết cọng giá đỗ được sản xuất bằng hóa chất và chất kích thích tăng trưởng. “Cọng giá được tưới hóa chất tẩy trắng và chất kích thích tăng trưởng thường mập mạp và rất đều nhau. Do được tưới dung dịch tẩy trắng trước khi đưa ra thị trường nên cọng giá có màu trắng bóng, thân thẳng đều, nhìn rất bắt mắt. Điều đặc biệt là cọng giá đỗ được tưới hóa chất và chất kích thích tăng trưởng gần như không có rễ con so với cọng giá làm theo phương pháp thủ công bình thường”, ông Bé Năm hướng dẫn.
Hỏi vì sao mọi người đua nhau sản xuất giá bằng hóa chất và chất kích thích tăng trưởng bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, ông Năm lý giải: “Tất cả là vì lợi nhuận. Hiện nay giá bán 1kg đậu xanh trên thị trường là 32.000 đồng, nếu sản xuất theo phương pháp truyền thống thì mất nhiều thời gian, công tưới nước và chỉ thu được từ 5 - 6 kg giá thành phẩm, bỏ mối với giá 8.000 đồng/kg, lời lóm không bao nhiêu. Trong khi đó sản xuất giá đỗ bằng hóa chất thì thu được từ 12 - 15 kg thành phẩm trên 1 kg đậu xanh nguyên liệu mà không tốn nhiều thời gian và công tưới nước, nên người làm giá đỗ bằng hóa chất thu lời bể tay”.
Tuy ông Bé Năm từ chối đề cập việc có sản xuất giá đỗ bằng hóa chất hay không, nhưng tiết lộ: gia đình ông chỉ làm hàng bỏ mối cho các chợ và quán ăn, còn khi nào muốn sử dụng giá trong bữa ăn hoặc nhà có đám tiệc thì luôn sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống cho an toàn. Trong khi đó Võ Quốc cho biết, mặc dù hàng ngày số lượng giá đỗ sản xuất bằng hóa chất được người tiêu dùng tiêu thụ rất nhiều nhưng chưa nghe nơi nào xảy ra ngộ độc bởi lẽ trên thực tế lượng giá đỗ cho vào 1 tô cháo, phở hay hủ tíu rất nhỏ, chưa đến mức người sử dụng bị ngộ độc.
“Nhưng ai cũng biết tất cả các loại hóa chất đều gây độc hại đối với sức khỏe con người. Chưa nói đến tác hại của các chất kích thích tăng trưởng, chỉ riêng 2 hóa chất tẩy trắng là Soda ASH Light và Natri Sulfit đều rất độc hại vì có chứa nhiều kim loại nặng, nếu tích tụ lâu ngày vào cơ thể con người có thể làm nhiều cơ quan nội tạng như gan, thận, thần kinh… bị suy nhược, dẫn đến các bệnh hiểm nghèo như ung thư”, Quốc nói.
Theo Thanh Anh (Một Thế Giới)