Công lý không nên là một nhân vật cụ thể

02/05/2020 14:47:37

Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến xung quanh việc TAND tối cao thăm dò về việc chọn mẫu phác thảo tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý đặt tại trụ sở TAND tối cao và tòa án các cấp...

Nhiều chuyên gia đồng tình, dư luận dậy sóng

Được biết, ngày 5/2, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Có 5 lý do để đưa ra quyết định này: Vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt. Ông là người xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng; trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng; cho đúc chuông lớn đặt trước chính điện Thiên An để người dân trong nước có oan ức đến đánh chuông. Ông chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương thành vị quan xét xử mẫu mực, sau này đăng quang ngôi vua Lý Thánh Tông.

Theo thuyết minh của TAND tối cao: "Công trình sẽ là tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ, giàu sức biểu cảm, mang ý nghĩa nhân văn, chuyển tải thông điệp lịch sử về tòa án nhân dân…". Dự kiến tượng được đúc bằng đồng đỏ, kích thước chiều cao của tượng đặt tại trụ sở TAND tối cao là 5,3m.

Để chuẩn bị cho việc dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở các tòa án, TAND tối cao tổ chức lấy ý kiến của cán bộ công chức trong hệ thống tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Ngay khi thông tin này được đưa ra, đã nhiều ý kiến tranh cãi.

Dư luận chỉ ra, dưới góc độ văn hoá, xã hội thì các vị vua là những tiền nhân đáng kính, đáng thờ, là những người đã có công lao trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, đem lại những giá trị to lớn lịch sử cho dân tộc nên cần được tôn vinh. Tuy nhiên việc đặt tượng các vị vua đó ở đâu, tôn vinh như thế nào là câu chuyện cần phải suy nghĩ, xem xét một cách thấu đáo.

Pháp luật thời kỳ phong kiến nói chung là rất hà khắc, bất bình đẳng, chưa thể hiện được tính khoan hồng, nhân đạo rõ nét như xã hội hiện nay, cũng không phải là nguyện vọng ý chí của đại đa số nhân dân lao động. Đó là yếu tố lịch sử, triều đình phong kiến của quốc gia nào cũng xây dựng và thực hiện pháp luật trước tiên là để bảo vệ lợi ích cho giai cấp địa chủ phong kiến, quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân được đặt ở thứ yếu... Và cũng chưa thấy quốc gia nào lấy biểu tượng của một vị vua làm biểu tượng của công lý.

Công lý không nên là một nhân vật cụ thể
Ba mẫu tượng vua Lý Thái Tông được đưa ra lấy ý kiến của ngành Tòa án. Ảnh: TL

Thậm chí, nhiều ý kiến dư luận chỉ rõ: "Điều này là vô lý. Như Trung Quốc có nhân vật Bao Công là biểu tượng cho lẽ công bằng thời kỳ phong kiến nhưng họ cũng không thể lấy Bao Công là biểu tượng cho công lý đương thời được".

Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến dư luận, nhà sử học Dương Trung Quốc - một trong số thành viên Hội đồng Nghệ thuật nêu quan điểm ủng hộ ý tưởng chọn Lý Thái Tông làm biểu tượng của ngành tòa án. "Đây không phải thần công lý, chính xác hơn là biểu tượng truyền thống của ngành. Nhiều nước cố gắng chọn nhân vật riêng, bên cạnh hình tượng thần công lý chung", ông Dương Trung Quốc nói.

Ông cũng đồng thời nhấn mạnh: "Tôi nghĩ dư luận lo lắng như thế là cần thiết. Chúng tôi sẽ họp xem xét các mẫu phác thảo, cũng như lắng nghe ý kiến của cả xã hội".

Cũng ủng hộ việc lựa chọn của TAND tối cao, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Trần Đức Cường chia sẻ: "Tôi ủng hộ ý tưởng cần có biểu tượng công lý. Chúng ta có nhiều việc cần làm nhưng việc này rất cần thiết".

Biểu tượng vị vua tạo không gian thờ cúng không phải công lý

Cũng bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ có ý kiến ngược lại với nhà sử học Dương Trung Quốc. Theo đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: "Ở Việt Nam, tượng vua, tượng chúa thường để thờ khi ở không gian trong nhà. Có những vị vua lập nên triều đại, có công lao lớn với đất nước có thể xây dựng tượng đài đặt ngoài trời hoặc các quảng trường. Một ông vua mặc áo mão đặt ở trong nhà hoặc ở không gian nào đó thường tạo cảm giác thờ cúng chứ không tạo ra cảm giác biểu tượng. Không nên dựng tượng sừng sững một vị vua ở một nơi làm việc mang tính không gian văn phòng".

"Ngoài ra, một vị vua mang biểu tượng cho Nhà nước chứ không mang tính biểu tượng cho công lý hay một ngành nghề nào đó. Vua có người giỏi cái này, có người giỏi cái kia. Nếu vậy, mỗi ngành nghề sẽ thờ một người thì sẽ như thế nào? Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ. Tôi nghĩ chúng ta không nên làm điều này hoặc nếu muốn thì nên lấy ai đó khác làm biểu tượng", ông Vĩ chia sẻ.

Dưới góc độ của một người trong ngành, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, văn hóa phương Tây từ ngàn năm trước đã cho ra đời các vị thần, trong đó có Thần công lý. Đó là ước vọng công bằng, bình đẳng của nhân dân. Thần công lý không có thật, không phải là một biểu tượng bằng xương bằng thịt của một con người cụ thể nào cả. Thần công lý một tay cầm cân và một tay cầm gươm thể hiện công bằng và quyền lực. Thần công lý bịt mắt cho thấy việc đánh giá sự việc không phải bằng trực quan, cảm tính mà phải bằng tư duy, phán đoán. Thần công lý là một cô gái xinh đẹp nhưng không dễ quyến rũ... Đó là những ý tưởng mà người xưa đã xây dựng lên một biểu tượng của lẽ công bằng trước rất nhiều cám dỗ của cuộc đời.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng có quan điểm tương đồng với nhà nghiên văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, các vị vua trong các thời kỳ lịch sử dân tộc ta đều rất đáng tôn kính, đáng được phụng thờ nhưng chúng ta hãy tôn kính, phụng thờ đúng chỗ sao cho phù hợp với văn hóa, truyền thống của dân tộc.

Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, công lý là lẽ công bằng vốn có, không phụ thuộc vào việc người ta có thừa nhận nó hay không. Biểu tượng thần công lý được cả thế giới thừa nhận, chưa thấy có quốc gia nào xây dựng biểu tượng công lý cho riêng mình.

"Tôi cho rằng, ngày nay nếu chúng ta lấy hình ảnh của một con người nào đó là biểu tượng công lý của cả một dân tộc thì có vẻ là không hợp lý. Vì thế càng không nên sử dụng hình ảnh bất cứ vị vua nào làm biểu trưng cho công lý Việt Nam", luật sư Cường nói.

Theo Ngọc Mai (Giadinh.net.vn)

Nổi bật