Công khai danh tính người mua dâm thế nào?

24/11/2015 11:09:09

Đề xuất công khai danh tính người mua dâm của Bộ LĐ-TB&XH hôm giữa tháng 11 lần nữa làm nóng lên câu chuyện công khai hay không công khai danh tính người mua dâm.

Đề xuất công khai danh tính người mua dâm của Bộ LĐ-TB&XH hôm giữa tháng 11 lần nữa làm nóng lên câu chuyện công khai hay không công khai danh tính người mua dâm.
Theo quy định tại điều 22, nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi mua dâm bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng, nếu mua dâm nhiều người cùng lúc, mức phạt là 2 triệu đến 5 triệu đồng. Đối với hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm thì mức xử phạt hành chính là từ 5 đến 10 triệu đồng.

Các cô gái chờ khách trên đường phố - Ảnh: PhilStar

Theo Bộ LĐTB&XH, mức phạt này còn thấp và chưa có tính răn đe đối với người vi phạm. Ngoài việc đề xuất tăng mức phạt, Bộ LĐTB&XH còn đề xuất chú trọng đến biện pháp xử lý thông báo về cơ quan, đơn vị làm việc, xã, phường, nơi cư trú đối với người mua dâm như là biện pháp xử lý chính thức nhằm nâng cao ý thức pháp luật của đối tượng này.

Người đồng tình, người băn khoăn

Rất nhiều bạn đọc tỏ ra đồng tình với đề xuất công khai danh tính người mua dâm. Lý do được nhiều người đưa ra là “nếu cứ công khai danh tính thì họ đâu dám đi mua dâm”.

Thạc sĩ (ThS) Xã hội học Phạm Thị Thúy cũng tỏ ý ủng hộ đề xuất công khai danh tính người mua dâm.

“Đây là cách tốt nhất để hạn chế tình trạng mại dâm gây ảnh hưởng tới sức khỏe và hạnh phúc gia đình. Đôi khi chỉ cần có những biện pháp mạnh như vậy đã khiến nhiều người chùn bước không dám thực hiện hành vi mua bán dâm rồi”, ThS Thúy nêu ý kiến.

Tuy nhiên, ThS Thúy cũng cho rằng thách thức lớn nhất nằm ở cách thực hiện.

“Người VN mình rất trọng tình. Đôi khi lại công khai người này nhưng lại bao che cho người khác. Đối tượng dân thường thì công khai, đối tượng có chức quyền thì lại không. Vấn đề quan trọng ở đây là cách thực hiện và sự kiên quyết thực hiện tới cùng”, ThS Thúy nhận định.

Ngược lại, cũng có nhiều bạn đọc tỏ ý kiến không đồng tình. Các bạn đọc này cho rằng việc công khai danh tính sẽ “không giải quyết được vấn đề mà còn có thể gây nhiều hệ lụy”.

“Làm như vậy chỉ tổ hại cho cá nhân, gia đình và xã hội mà thôi. Nghiêm khắc như thời phong kiến (cạo trọc, bôi vôi) mà có cản được Thị Mầu đâu”, một bạn đọc trào phúng.

Nhiều bạn đọc đề xuất cách cách xử phạt khác mà họ cho rằng hợp lý hơn như lao động công ích với số ngày tỉ lệ với số tiền bỏ ra để mua dâm, trục xuất cho về địa phương, cấm rời khỏi địa phương một thời gian,…

Một vài bạn đọc cho rằng chỉ nên công khai danh tính khi họ có liên quan đến các tội hình sự như sử dụng ma túy,…

Ở một quan điểm khác, anh Trần Lê Nguyên (Q.Gò Vấp) cho rằng bây giờ việc phải giải quyết trước tiên là có cấm hành vi mua bán dâm hay không. Nếu đã quyết định cấm thì việc công khai danh tính người mua dâm hay không mới có ý nghĩa.

“Theo tôi, việc công khai danh tính người mua dâm có nhiều tiêu cực, biến tướng khác đi kèm như mua chuộc, hối lộ,... để không bị bêu tên"- anh Nguyên phân tích.

Lo ngại xung đột pháp luật

Luật sư (LS) Hà Hải nhận định đề xuất công khai danh tính người mua dâm có thể dẫn đến những xung đột về mặt pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

“Tôi cho rằng nếu đề xuất này đựơc chấp nhận thì sẽ có xung đột pháp luật, rõ nhất là với Hiến pháp”, luật sư Hà Hải nói.

“Có ý kiến cho rằng mặc dù việc công khai danh tính người mua dâm là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cần thiết để hạn chế tệ nạn mại dâm. Tuy nhiên phải xem xét rằng, việc ban hành một văn bản vi phạm pháp luật sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, rối rắm”, LS Huỳnh Phước Hiệp nhận định.

LS Phạm Thanh Bình cũng cho rằng việc mua dâm bán dâm chỉ là hành vi vi phạm hành chính, chưa đến mức phải xứ lý hình sự, công khai danh tính. Nói cách khác người đi mua dâm và bán dâm không bị coi là tội phạm trừ trường hợp mua dâm người chưa thành niên.

“Về mặt đạo đức việc này còn gây nhiều tranh cãi, còn về mặt luật pháp thì hoàn toàn là trái luật”, LS Phạm Thanh Bình nói.

Theo LS Hà Hải, việc công khai danh tính người mua dâm được cho là nhằm mục đích giáo dục. Nhưng thực tế có tính giáo dục thực sự hay không hay lại phản tác dụng và dẫn đến những hệ lụy xấu đối với gia đình, con cái và công việc của người đó là câu hỏi khó trả lời..

“Để giáo dục về mặt nhận thức, pháp luật đối với người mua dâm thì có nhiều biện pháp khác như đi học cải tạo, lao động công ích… chứ không nhất thiết phải công khai danh tính”, LS Hà Hải bày tỏ ý kiến.

Đề cập sâu hơn, LS Phạm Thanh Bình cho rằng cần xem xét thấu đáo các hệ lụy của việc công khai danh tính này.

“Việc công khai danh tính người mua dâm có thể dẫn đến những hệ lụy về mặt xã hội rất lớn chưa thể lường hết được. Đã từng có những vụ bố bị nêu tên làm con phải tự sát. Vì một vi phạm hành chính mà lại đẩy cả gia đình vào chỗ tan nát thì cần phải xem xét lại”- LS Phạm Thanh Bình lo ngại. 

"Nài” chở gái mại dâm chào khách trên một số tuyến đường ở Q.1, TP.HCM - Ảnh tư liệu


Chứng minh hành vi mua bán dâm trong nhiều trường hợp không dễ

Theo ý kiến của LS Huỳnh Phước Hiệp, chứng minh hành vi mua bán dâm trong nhiều trường hợp không dễ vì không ai mua bán dâm ở thanh thiên bạch nhật mà chỉ mua dâm trong phòng kín không có ai chứng kiến.

Hiện tại chỉ có cơ quan cảnh sát điều tra là cơ quan có nghiệp vụ vững vàng để chứng minh hành vi mua bán dâm này. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, cơ quan cảnh sát điều tra còn cực kỳ vất vả để chứng minh.

Nếu không đủ chứng cứ để chứng minh thì phải bồi thường và xin lỗi. Liệu có ai dám liều lĩnh để xử phạt rồi phải bồi thường và xin lỗi không? Khi câu hỏi này được trả lời một các xác đáng thì quy định bêu tên người mua dâm mới khả thi, còn không thì sẽ tiếp tục “đánh trống bỏ dùi”, LS Huỳnh Phước Hiệp phân tích.

LS Huỳnh Phước Hiệp cho rằng nếu vi phạm hành chính với mức phạt vài trăm hay vài triệu đồng thì người dân đôi khi cũng không quyết liệt để khiếu kiện nhưng nếu đụng đến lợi ích lớn thì sự việc sẽ khác.“Danh dự, nhân phẩm là tài sản lớn nhất của con người. Bêu lên là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm. Người bị bêu tên sẽ khiếu kiện đến cùng buộc cơ quan xử phạt phải chứng minh hành vi vi phạm. Trường hợp bắt quả tang, hay có chứng cứ trực tiếp rõ ràng thì không nói. Trường hợp không có chứng cứ hay chứng cứ không rõ ràng mà xử phạt thì sẽ có khiếu kiện".

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.


>> Cân nhắc công khai danh tính người mua dâm 7.000 USD
>> Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm

Theo Võ Hương - Mai Nguyễn - An Nhiên (Tuổi Trẻ)

Nổi bật