Rùa biển được coi là một trong những chỉ số về sự khỏe mạnh của môi trường biển. Trước đây rùa biển được phân bố hầu hết trên các vùng biển của nước ta với mật độ cao. Hiện nay cả 5 loài rùa biển của Việt Nam đều suy giảm đáng kể về số lượng và tất cả đều nằm trong sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa hoặc nguy cấp hay cực kỳ nguy cấp.
Việt Nam là một trong những quốc gia có mối nguy hiểm đe dọa đến rùa biển cao nhất thế giới. Các hoạt động đánh bắt trái phép thời gian qua đã đẩy các loài rùa biển đến bờ vực tuyệt chủng. Đáng nói hơn, trong các clip được đăng tải lên mạng xã hội, nhiều ngư dân sẵn sàng ra tay sát hại rùa biển dù chúng vẫn còn sống.
Cộng đồng mạng phẫn nộ với clip rùa biển bị mổ bụng sống
Ngày 24/8, facebooker N.L.T.N. đăng tải lên trang cá nhân 2 đoạn clip "khoe chiến tích" đánh bắt rùa biển thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Một tàu cá nhỏ với 4 - 5 thuyền viên hả hê cười đùa, "cưỡi" lên thân chú rùa biển rồi ra sức hành hạ nó.
Đỉnh điểm của vụ việc, những ngư dân này dùng vài con dao sắc lẹm ra tay giết hại rùa biển. Đoạn clip gây sốc với hình ảnh rùa bị mổ bụng sống, nội tạng bị phơi ra dù các chi vẫn còn cử động. Được biết, vụ việc xảy ra vào hồi 29/4/2018.
"Chém mày đi", "Chém mày lấy đồ nhậu" - Không chỉ giết hại dã man rùa biển, nhóm người này còn nhiệt tình quay lại quá trình làm thịt rùa để "khoe" lên mạng xã hội.
Sau khi đăng tải, hành vi sát hại dã man rùa biển của nhóm ngư dân bị cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ. Vài tháng trở lại, "trào lưu" khoe chiến tích sát hại rùa biển nở rộ trên facebook, đây là hành động rất khó có thể chấp nhận! Nhiều người mong muốn cảnh sát biển hoặc các lực lượng chức năng liên quan nhanh chóng vào cuộc.
"Quá dã man, giết sống rùa biển như vậy thì nó đau đớn lắm. Nhìn bé rùa quằn quại mà thương quá. Sao không thả nó về biển mà lại ra tay nhẫn tâm như thế. Không biết với rượu, bia và sự thèm ăn "của lạ" của con người sẽ khiến bao nhiêu loài động vật hoang dã đi tới bờ tiệt chủng nữa" - bạn G.K bình luận.
"Có một số ít người ăn vì họ không nhận thức được đó là loài vật đang trong sách đỏ cần được bảo vệ. Một số vì họ làm nghề biển, bắt được con gì ăn con nấy khi họ không có lựa chọn nào cho gia đình ngày hôm ấy thì họ đành ăn luôn con vật mà họ biết là không được phép ăn" - D.Y. cho hay.
"Rùa biển là một loài động vật cần được bảo tồn mà sao nhóm người này hành hạ, làm thịt như vậy. Điều đáng lên án ở đây là ngư dân chưa ý thức được hành vi giết hại rùa biển của mình. Cần tuyên truyền nhiều hơn nữa cho mọi người hiểu rõ hành vi sát hại động vật quý hiếm là sai trái như thế nào. Mong các cơ quan chức năng tìm ra ngư dân trên và có hành động xử lý răn đe để làm gương" - chị T.L chia sẻ quan điểm.
Xử lý hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù giam
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ sản phẩm/bộ phận của chúng (bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật) sẽ bị xử lý hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù giam.
Trước đó vào ngày 4/6, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Tuấn Hải (sinh năm 1972, trú tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) 4 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ" theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009).
Hải là bị cáo duy nhất trong vụ án hơn 6.600 xác rùa biển bị thu gom, chế tác và buôn bán trái phép, được các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa phát hiện hồi cuối năm 2014. Thời điểm đó, Hải đã cất giấu trên 6.600 xác rùa biển tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang. Tất cả đều nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, các loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã thu giữ nhiều phương tiện, máy móc phục vụ việc chế tác mỹ nghệ từ rùa, do bị cáo Hải làm chủ.
Tại Việt Nam, từ lâu rùa biển vẫn luôn bị săn bắt để lấy thịt, trứng, mai và da, chỉ cần một phiên đi biển săn rùa trái phép, mỗi ngư dân có thể trúng gần trăm triệu đồng. Hoạt động mua bán loại động vật quý hiếm này vẫn lén lút diễn ra, đe doạ sự tận diệt loài rùa đang từng ngày cạn kiệt.
Vài năm trước đây, ngư dân ra khơi khai thác rùa biển không phải là nghề chuyên nghiệp. Ra khơi, trúng con nào thì coi như là may mắn, phần ăn, phần mang về bán, phụ thêm tiền xăng dầu. Còn giờ đây, nhiều người đã đổ xô chuyên đi lặn bắt đồi mồi, rùa biển. Họ coi đó như là một nghề hái ra tiền.
Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), số lượng cá thể rùa tại Việt Nam, cụ thể là đồi mồi, đã giảm tới 80% chủ yếu do bị săn bắt để lấy mai nhằm chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức. Cùng với sự suy giảm của đồi mồi, hiện nay, loài vích cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự khi chúng chỉ có khoảng 1/1.000 cơ hội sống sót đến tuổi trưởng thành.
Từ lâu, rùa biển vẫn luôn bị săn bắt để lấy thịt, trứng, mai và da. Rùa biển bị săn trộm để lấy thịt, trứng rùa bị thu hoạch một cách không bền vững, và mai rùa được sử dụng để làm đồ trang sức và hàng thủ công truyền thống bán cho khách du lịch.
Theo nghiên cứu, đến tuổi trưởng thành, rùa phải đối mặt với những cuộc săn tìm, giết hại của con người. Rất nhiều sản phẩm thương mại được chế biến từ rùa biển đã được bày bán khắp nước ta. Kèm theo đó là các hoạt động bất hợp pháp khác như tổ chức xuất, nhập khẩu mai rùa biển nhằm cung ứng cho nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.
Đặc biệt hơn tại một số nơi còn trực tiếp tiêu thụ thịt rùa và thậm chí trứng rùa cũng là món khoái khẩu của những du khách thập phương.
Theo Minh Nhân (Helino)