Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát. Ảnh: B.C. |
“Việc này đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp. Tôi được biết khả năng trong ngày 29/6 sẽ họp báo công bố rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra” – trung tướng Vệ nói.
Hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 6/4 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của Thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại Quảng Bình ngày 10/4, Thừa Thiên Huế ngày 15/4, Quảng Trị ngày 16/4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng 4/5.
Trong đó, hải sản chết nhiều tại tỉnh Hà Tĩnh ngày 6-7/4, tỉnh Quảng Bình ngày 14-15/4, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 16-17/4 và tỉnh Quảng Trị ngày 18-19/4. Từ ngày 24 đến 26/4, cùng với hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại Hà Tĩnh quay trở lại thì trên biển xuất hiện dòng triều màu nâu; ngày 4/5 xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Quảng Bình.
Qua theo dõi của Tổ công tác hiện trường, từ ngày 4/5 đến nay không còn phát hiện hiện tượng bất thường tại khu vực này nữa.
Cá chết bất thường ở miền Trung bắt đầu từ ngày 6/4. Ảnh: Quang Tiến. |
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay ngay sau khi phát hiện cá chết bất thường, Thủ tướng, các phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo tìm nguyên nhân. Hơn 30 bộ ngành, địa phương vào cuộc để thu thập chứng cứ, xác minh, tìm nguyên nhân. Chính phủ đã mời hàng trăm nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng tham gia trên nguyên tắc phải khoa học, khách quan và chặt chẽ về tính pháp lý.
Trong quá trình điều tra, Thủ tướng chỉ đạo, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm thì xử lý nghiêm, không loại trừ bất cứ ai.
"Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết. Thủ tướng đã mời tư vấn trong ngoài nước phản biện độc lập trước khi kết luận chính thức", ông Dũng nói.
Người phát ngôn Chính phủ khẳng định, vì xác định đây là vấn đề rất quan trọng nên khi công bố phải đảm bảo chứng cứ, đảm bảo tính pháp lý, tính khách quan.