Chiều 6-6, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, đang phối hợp với các đơn vị chức năng khám nghiệm hiện trường, tích cực điều tra nguyên nhân vụ cháy ước tính gây thiệt hại khoảng 50ha rừng phòng hộ trên địa bàn.
Khoảng 13h30 ngày 5-6, tại khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, lửa bắt đầu bùng phát và nhanh chóng lan trên diện tích rộng, cột khói bốc cao hàng trăm mét. Ngay sau khi phát hiện cháy, người dân đã gõ kẻng báo động, huy động người dập lửa và nhanh chóng thông báo tới cơ quan chức năng.
Nhận được thông tin, lực lượng chức năng phải huy động khoảng 2.000 người gồm các lực lượng: Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ, lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội… nhằm khống chế và ngăn không cho ngọn lửa lan rộng ra khu vực rừng lân cận.
Điểm bắt đầu cháy tại chân Lô 4 khoảnh 7 thuộc Đội sản xuất Hồng Kỳ, địa giới hành chính xã Nam Sơn - rừng phòng hộ bảo vệ môi trường do Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý (lâm trường Sóc Sơn cũ).
Sau lan sang các lô 7, 3, 6, 16, 17, 19, 10, 18, 11, 14 khoảnh 7 và các lô 2, 3, 4 khoảnh 13. Tiếp tục lan sang khu vực rừng thuộc địa giới hành chính xã Phù Linh. Đặc điểm rừng phòng hộ chủ yếu là gồm các loại cây như thông, keo, bạch đàn có tầng lá khô dày đặc phủ lên bề mặt, khi gặp gió, ngọn lửa bùng phát mạnh dẫn đến cháy lớn.
Cháy lớn thành dải khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. |
Bên cạnh đó, do nguồn nước ở xa hiện trường, việc tiếp nước dập lửa gặp khó khăn. Nhiều phương tiện chở nước của Công ty Môi trường đô thị Sóc Sơn cũng được huy động hỗ trợ. Diện tích cháy quá lớn khiến lực lượng chữa cháy liên tục huy động thêm chi viện, các phương tiện chữa cháy gồm: 5 xe cứu thương, 5 xe chữa cháy, 2 xe chở téc nước, 34 máy thổi gió, 15 cưa xăng, máy cắt thực bì… được đưa đến hiện trường.
Với nỗ lực của các lực lượng, đến khoảng 23h ngày 5-6, lực lượng Cảnh sát PCCC đã dẫn được vòi nước vào một số điểm trọng yếu gần khu dân cư, đền Sóc để chữa cháy. Trước đó, do địa hình đồi núi dốc, rừng cây dày đặc nên lực lượng chức năng chỉ thực hiện dập thủ công như lập dải phân cách, phát luồng tuyến chia ranh giới chống cháy lan…
Do đặc điểm rừng phòng hộ ở Sóc Sơn trồng trên địa hình núi cao, đồi dốc nên công tác cứu hộ cực kỳ khó khăn, khiến đám cháy kéo dài và lan rộng. Một lý do khác khiến đám cháy lây lan, đó là lửa nổi lên ở nhiều điểm, lan cục bộ sau đó chạy thành vệt, ôm lấy cả khoảnh rừng hàng chục hécta.
Cuộc chống cháy rừng kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ khiến ai cũng mệt mỏi. Bà Phạm Thị Chúc xót xa nhìn lên khu vực xảy ra cháy. Gia đình bà có 5.000m² trồng keo, bạch đàn... đang nằm trong vùng cháy. Từ đầu năm đến nay xảy ra 7 vụ, nhưng đều là các vụ cháy nhỏ, người dân tự khắc phục được.
Đến 1h30 ngày 6-6, đám cháy cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, ngọn lửa vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào, lực lượng chức năng điều động hàng trăm người chữa cháy, dập tắt các tàn dư của đám cháy. Ước tính tổng diện tích rừng bị cháy khoảng 50ha, bao gồm các loại keo, bạch đàn và thông, trong đó phần lớn diện tích rừng phòng hộ thuộc lâm trường quản lý. Ghi nhận tại khu vực rừng bị cháy, quang cảnh tiêu điều khắp mặt rừng chỉ là tro tàn bám vào mặt đồi đen kít.
Nhớ lại giây phút chữa cháy, Thượng tá Nguyễn Quang An, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 cho biết, nhận được báo cháy rừng thuộc địa bàn xã Nam Sơn. Phòng nhanh chóng báo động và điều động 3 xe chữa cháy, 1 xe chở quân và yêu cầu chi viện 2 xe chữa cháy cho Phòng CSPC&CC Số 6. Khi đến nơi, đám cháy phát triển lớn, phức tạp, địa hình khó khăn, diện tích rộng.
Sau khi hội ý với các đồng chí lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, BCH Quân sự huyện Sóc Sơn, Công an huyện Sóc Sơn, BQL rừng phòng hộ Sóc Sơn và các ban ngành khác, đã chỉ đạo theo phương án kế hoạch: Giai đoạn 1: Do điều kiện tiếp cận của xe chữa cháy không có do vậy đã yêu cầu toàn bộ CBCS dùng các phương tiện như máy thổi khói, máy cưa, bàn dập lửa, rìu, dao, xẻng… được trang cấp phối hợp với các lực lượng Quân đội, Kiểm lâm, Dân phòng tiến hành tạo vành đai ngăn lửa để hạn chế khả năng phát triển của đám cháy. Nhưng do thời tiết nắng nóng, gió thổi lên việc khống chế vô cùng khó khăn.
Giai đoạn 2: Nhận thấy đám cháy có khả năng lan xuống các nhà dân sống ven rừng đã yêu CBCS sử dụng xe chữa cháy bố trí tại các nhà dân đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hộ dân sống ven rừng , được nhân dân khen ngợi và chu cấp hậu cần cho CBCS.
Giai đoạn 3: Khi đám cháy không còn khả năng lan xuống các hộ dân nhưng đám cháy vẫn phát triển dữ dội, đã quyết định phương án triển khai lực lượng phương tiện chữa cháy từ chân núi lên đám cháy để dập lửa.
Sau khoảng 12 giờ chữa cháy tuy gặp nhiều khó khăn trở ngại như địa hình rốc, núi cao, nhiều hào, vực, không có đường lên, nhiều tổ ong, rắn,… CBCS thì bị ong đốt, vấp ngã nhiều lần nhưng với tinh thần không sợ khó, không sợ khổ, đã phối hợp tốt với các lực lượng khác khống chế và đập tắt đám cháy.
Thị sát tại các điểm nóng về cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao tinh thần vào cuộc trách nhiệm của lực lượng Quân đội, Dân quân tự vệ và nhân dân trên địa bàn trong việc tham gia chữa cháy rừng, đặc biệt là việc không để xảy ra thương vong và thiệt hại cho các hộ dân sống lân cận.
Về giải pháp trước mắt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Sóc Sơn tập trung rà soát, thống kê diện tích rừng bị cháy để có phương án hỗ trợ, khắc phục hậu quả; tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực tại khu vực rừng bị cháy trong những ngày tới nhằm kiểm soát tốt hiện trạng, không để sự cố bùng phát trở lại.
Trong ngày 6-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phát đi công văn đề nghị các địa phương tăng cường phóng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng.
Theo đó, Bộ này đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương, làm rẫy; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn.
Đồng thời, phải tăng cường cán bộ Kiểm lâm xuống các vùng trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đêm 5-6, sau hơn 3 giờ nhập viện do ong đốt lúc tham gia chữa cháy rừng phòng hộ thuộc địa phận xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), anh Dương Văn Điệp (25 tuổi, ở xã Bắc Sơn), công nhân làm việc tại sân golf vẫn còn đau buốt vùng mặt. Nằm trên giường bệnh trong Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn, khuôn mặt anh Điệp sưng to hơn bình thường, ngả màu tái xanh. Điệp kể lại, chiều 5-6, thấy khói và lửa bao trùm những quả đồi giáp ranh 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn, quản lý công ty có sân golf cạnh bìa rừng lập tức huy động gần 30 nhân viên, ngăn hỏa hoạn lan sang sân golf. Có mặt trong đoàn người cứu hộ, Điệp nhanh chóng đến khu vực xảy cháy, cùng với Công an, Bộ đội phát quang, chặt cây để cô lập ngọn lửa. Đang chặt cây, anh ta nghe tiếng hô “có ong”. Sau đó, một số người chạy tản ra khu vực phía sau. Lúc nhìn thấy tổ ong bị vỡ, Điệp đã cảm thấy đau buốt vùng mặt và đầu. Theo bác sĩ Dương Văn Nhiệm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn), tối 5-6, đơn vị tiếp nhận 2 bệnh nhân trẻ bị ong đốt khi chữa cháy rừng, trong đó có một chiến sĩ quân đội. Do các bệnh nhân trong tình trạng bị nhiễm độc nọc ong, y bác sĩ trực cấp cứu đã nhanh chóng giải độc, chống sưng phù cho người gặp nạn. Gần 1 giờ sau, nam quân nhân sức khỏe hồi phục rồi xuất viện. |
Theo V.Linh – M.Hiền – N.Yến (CAND Online)