Sau 8 lần xả trạm trong ngày 4/12, đúng 23h, trạm BOT Cai Lậy ở Tiền Giang đã đóng barie thu phí trở lại. Chỉ 20 phút sau, kẹt xe kéo dài hướng miền Tây lên TP.HCM và tài xế liên tục nhấn còi inh ỏi.
Khoảng 0h, trạm tiếp tục xả. Nhiều nhân viên nữ được hộ tống vào nghỉ ngơi. Chỉ còn khoảng gần chục bảo vệ ở lại canh BOT
Cách BOT Cai Lậy khoảng 50 m, Zing.vn ghi nhận một số cảnh đứng, ngồi trong nhà dân và các quán giải khát. Tại khu vực sạp bán thịt và lạp xưởng cạnh nhà trọ Bình Dân, vài người mặc quần áo cảnh sát và công an xã treo mùng nằm tránh muỗi hoặc nằm võng.
Cứ khoảng 15 phút, vài cảnh sát đi lại, nhìn về hướng trạm BOT Cai Lậy và những quán giải khát bên đường - nơi có nhiều người tập trung.
Nhiều cảnh sát giao thông Công an Tiền Giang cũng có mặt tại khu vực đầu trạm của hướng miền Tây.
Tại quán Bà 8 BOT, khoảng 30 người, chủ yếu là tài xế nói cười rôm rả và thường xuyên bước ra đường nhìn xem BOT Cai Lậy thu phí trở lại hay chưa. Tại đây cũng có nhiều ôtô xếp hàng chờ sẵn để qua trạm bất cứ lúc nào nếu barie của BOT Tiền Giang đóng lại để thu phí.
Một người đi đường cho biết, hiện có một nhóm tài xế với khoảng 100 ôtô đậu ven quốc lộ 1 để ăn uống, cách BOT Cai Lậy khoảng 10 km. Những tài xế này đã hòa vào dòng xe đổ về BOT Cai Lậy gây nên cảnh kẹt xe.
Theo quan sát của phóng viên, một số nơi trong trạm thu phí, lãnh đạo BOT Cai Lậy đã cho treo "Quy định xử lý các hành vi vi phạm pháp luật". Trong đó có ghi nội dung dừng đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông và không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông.
Bảng quy định treo tại BOT Cai Lậy ghi chi tiết mức xử lý hành chính bằng cách phạt tiền từ 800 đến 2 triệu đồng. Trường hợp xử lý hình sự thì phạt tù 3-10 năm theo điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1/8. Sau hai tuần hoạt động, ngày 15/8, BOT Cai Lậy cho xả trạm, ngừng thu phí. Các tài xế cho rằng trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý, mức phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền lẻ, gây kẹt xe, buộc chủ đầu tư phải nhiều lần phải xả trạm.
Sau đó, Bộ GTVT đã họp, thống nhất giảm giá vé cho tất cả các phương tiện. Cụ thể, mức phí thấp nhất với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 25.000 đồng/lượt (trước 35.000 đồng), mức cao nhất 140.000 đồng (trước 180.000 đồng) với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet.
Theo chủ đầu tư, mức phí sẽ giảm 30% so với trước đây. Người dân tại 4 xã, gồm Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An (huyện Cai Lậy) được miễn phí qua trạm nếu như không kinh doanh vận tải.
Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)