Ngày 8/9, tại cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 TP.HCM, thông tin về việc người đi chợ hộ bị người dân "boom" hàng, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh trên, Công an TP đã chỉ đạo Công an các quận huyện và TP. Thủ Đức mời làm việc các đơn vị có liên quan.
Theo đó, qua làm việc với các hãng công nghệ có shipper được biết không có tình trạng "boom" hàng, trường hợp có thì đơn vị cũng đã tự xử lý.
Còn đối với các trường hợp shipper thuộc 21 quận huyện và TP. Thủ Đức thì có bị tình trạng người dân đặt hàng nhưng không ra nhận.
Cụ thể tình trạng "boom" hàng xảy ra tại TP. Thủ Đức, quận 4, quận 6, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận Tân Phú.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an đã làm việc với 200 trường hợp đặt mua nhưng không nhận hàng.
Sau khi làm việc với các bên, Công an nhận thấy những nguyên nhân "boom" hàng là do một số người dân không rành về công nghệ nên khi tháo tác đặt hàng thì bị trùng đơn, khi huỷ nhưng không biết cách huỷ nên trên ứng dụng vẫn thực hiện.
Tiếp theo là đặt địa chỉ chưa chính xác nên bộ phận giao hàng không tìm được địa chỉ để giao.
"Có nhiều trường hợp địa chỉ giao hàng ở Bình Dương nhưng người giao hàng không tìm được địa chỉ nên đã gây ra việc có đơn hàng nhưng không có người nhận", Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng cho biết, khi người dân đã huỷ đơn hàng, hệ thống không cập nhật nên vẫn đi giao hàng.
Bên cạnh đó cũng có trường hợp do đơn hàng giao quá lâu nên người dân chọn kênh phân phối khác để mua, khi giao tới thì người dân không nhận đơn hàng này nữa.
Ngoài ra có trường hợp không cung cấp đúng mặt hàng đã đặt, không đủ số lượng hàng hoặc giao nhầm đơn hàng nên người dân từ chối nhận hàng.
"Có trường hợp người dân đặt mua nguyên con gà nhưng chỉ giao mỗi cánh gà nên người dân không nhận", Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin thêm.
Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ các trường hợp có hành vi cố tình "boom" hàng gây khó khăn cho lực lượng đi chợ hộ, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Liên quan đến việc triển khai camera quét mã QR phần mềm khai báo y tế "di chuyển nội địa" của Bộ Công an, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết hiện Công an Thành phố đã lắp đặt được 78 điểm.
Các địa phương triển khai lắp đặt tại chốt, trạm trên tuyến đường chính, đông xe trên địa bàn để kiểm soát phương tiện nhanh chóng, hạn chế tiếp xúc gần. Tuy nhiên, do còn mới nên lúc đầu thao tác có những bất cập nên Công an Thành phố sẽ chỉ đạo khắc phục.
Theo Tứ Quý (Pháp Luật & Bạn Đọc)