Công an TP. HCM: "Giới hạn giữa thực hiện tốt nhiệm vụ và vượt quá quyền hạn rất mong manh"

01/10/2016 17:23:00

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Trưởng Phòng Tham mưu công an TP HCM cho hay: "Giới hạn giữa thực hiện tốt nhiệm vụ và làm quá trách nhiệm, quyền hạn rất là mong manh...".

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Trưởng Phòng Tham mưu công an TP HCM cho hay: "Giới hạn giữa thực hiện tốt nhiệm vụ và làm quá trách nhiệm, quyền hạn rất là mong manh...".

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho hay, trong vụ việc chiến sĩ công an kéo lê người bán hàng rong ở trên phố Sài Gòn, người chiến sĩ công an đó đã có những vi phạm, ứng xử sai hoàn toàn khi có những hành vi như vậy.

Theo ông Quang, hiện nay lực lượng công an giữ gìn an ninh trật tự xã hội ở địa phương thường xuyên phải làm các công việc cưỡng chế, dẹp bỏ nạn hàng rong lấn chiếm lề đường, đây cũng là thách thức với lực lượng này.

Công an TP. HCM: Giới hạn giữa thực hiện tốt nhiệm vụ và vượt quá quyền hạn rất mong manh - Ảnh 1.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng Tham mưu công an TP. HCM

Ông Quang nói rõ: "Thách thức ở đây là giới hạn mong manh giữa thực hiện tốt nhiệm vụ và làm quá trách nhiệm, quyền hạn. Trong xã hội chúng ta hiện nay, ý thức của người dân về thượng tôn pháp luật còn hạn chế, nhiều người có hành vi chống người thi hành công vụ, khiêu khích, không tôn trọng người đang thi hành công vụ đòi hỏi những người thi hành công vụ phải bản lĩnh nếu không biết kiềm chế, không xử lý tốt thì cũng sai luôn".

Theo ông Quang, người chiến sĩ công an kéo lê chị bán hàng rong là một hành vi sai. Một phần vì người chiến sĩ này quá bức xúc. "Cũng giống như mọi người, nói chuyện với nhau bình thường thì không sao nhưng khi bị chửi cha, mắng mẹ thì ai cũng sẽ bắt đầu nổi nóng lên, không còn biết mình là Công an hay ai nữa. Vì mất bình tĩnh nên mới dẫn tới tình trạng như trên", đại tá chia sẻ.

Ông Quang cho rằng, những chiến sĩ trên mặc đồ cảnh sát, đại diện cho người thực thi pháp luật thì anh phải có cái đầu lạnh, khách quan và bình tĩnh xử lý tình huống. Dù người dân có vi phạm đến đâu, người chiến sĩ Công an nhân dân mà hành động như vậy là không đúng. Ngược lại, người dân cũng phải thượng tôn pháp luật khi có những vấn đề liên quan đến cưỡng chế.

Sau khi sự việc xảy ra Ban giám đốc Công an TP đã chỉ đạo Công an Q.3 tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ vi phạm để tiếp tục có hướng xử lý.

Theo điều 42 trong Luật Công An Nhân Dân 2014 về xử lý vi phạm

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khoẻ, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân không được sử dụng Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu khi bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam; nếu bị phạt tù thì đương nhiên bị tước Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu khi bản án có hiệu lực pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở hoạt động của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân trong thi hành công vụ thì tùy tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.


Theo Minh Tuệ (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật