Công an làm việc với nhiều tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT Quốc lộ 5

09/09/2017 18:03:00

Cơ quan điều tra làm việc với các tài xế với mục đích làm rõ sự việc gây ùn tắc, gây rối ở trạm thu phí.

Cơ quan điều tra làm việc với các tài xế với mục đích làm rõ sự việc gây ùn tắc, gây rối ở trạm thu phí.

Đại tá Đỗ Đình Hào - Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, cơ quan điều tra làm việc với các tài xế với mục đích làm rõ sự việc gây ùn tắc, gây rối ở trạm thu phí, "xem có tình trạng xúi giục, kích động tài xế hay không; và từ các chứng cứ, lời khai, tài liệu thu thập, cơ quan điều tra sẽ cân nhắc có khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng hay không".

cong-an-lam-viec-voi-nhieu-tai-xe-tra-tien-le-qua-tram-bot-quoc-lo-5

Cảnh sát phân luồng chống ùn tắc tại trạm thu phí quốc lộ 5 khi nhiều tài xế phản đối thu phí. Ảnh: Hội lái xe VN

Được biết, một số tài xế đã trình bày và đưa ra lập luận cho rằng trạm thu phí bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Sau buổi làm việc, công an tỉnh Hưng Yên đã tuyên truyền và đề nghị các tài xế không tập trung ở trạm thu phí gây mất trật tự, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Trước đó, một nữ tài xế (26 tuổi) ở Phố Nối, Yên Mỹ, Hưng Yên cũng phải làm việc hai lần với công an; nội dung liên quan đến chuyện chị này đăng tải video trả tiền lẻ ở trạm thu phí Quốc lộ 5 lên mạng. 

"Công an có hai lần xuống gặp tôi, tuy nhiên tôi đã nói rõ trả tiền lẻ vì thấy bản thân mình bị ảnh hưởng, bức xúc chứ không có ai kích động, xúi giục cả", nữ tài xế chia sẻ với báo giới.

Nữ tài xế cũng cho biết, công an đề nghị gỡ bỏ các đoạn video trả tiền lẻ trên mạng, tuy nhiên chị đã gỡ từ trước.

Liên quan đến diễn biến trên, ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, đã yêu cầu các đơn vị thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân và có phương án phản ứng nhanh khi xảy ra sự cố liên quan đến trạm thu phí.

Công an tỉnh Hưng Yên được giao tiếp tục bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các trạm kiểm soát vé trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đề xuất giải pháp lên cấp có thẩm quyền, xem xét phương án quản lý tài chính, giảm giá thu phí vận hành Quốc lộ 5; di chuyển trạm kiểm soát vé tới vị trí phù hợp.

Từ ngày 4 đến 7/9, trong nhiều lần qua trạm BOT Quốc lộ 5, hàng chục lái xe đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng để trả phí; có trường hợp được cho quay đầu xe gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài.

Quốc lộ 5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội – Hải Phòng, chiều dài khoảng 100 km, có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng. Giá phí qua trạm BOT hiện là 40 nghìn đồng mỗi lượt.

Từ đầu năm 2016, dự án nâng cấp Quốc lộ 5 theo hình thức BOT được chuyển giao cho Vidifi; nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km cũng do Vidifi đầu tư, thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015.

Trước nhiều ý kiến cho rằng không thể thu phí trên Quốc lộ 5 bù cho chi phí đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một vị Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội giải thích Nhà nước đang nợ nhà đầu tư 4.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc. Đó là tiền giải phóng mặt bằng mà đáng lẽ Nhà nước phải bỏ ra, song do ngân sách không có nên phải để cho doanh nghiệp thu phí quốc lộ 5 bù đắp.

Theo Bá Đô (VnExpress.net)

Nổi bật