Phá cửa cứu cháu bé, nhiều người rơi nước mắt
Vụ việc cháu Vũ Thị P. (SN 2005, tiểu của chùa Thiên Tâm, xã Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên) bị nhốt trong căn phòng trống ở chùa Thiên Tâm gây phẫn nộ dư luận những ngày qua.
Anh Đỗ Văn Bốn (trú tại thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ), một trong những người trực tiếp phá hai thanh gỗ chắn ngang cửa sổ nhốt cháu P. để quan sát vào bên trong cho biết:
"Trước khi phá cửa cứu cháu, cách đây mấy tháng trong một lần đi làm về, tôi thấy cháu P. đứng ở ngoài đường đang thi công ngay trước cổng chùa.
Lúc đó, nhìn bộ dạng cháu bé rất đáng thương, từ bàn chân đến đầu gối quần nhuộm đất, trên đầu có một vết thương lớn đang chảy máu.
Cửa sổ của căn phòng nhốt cháu P. ngoài việc nẹp bằng 2 thanh gỗ còn có cả khóa ngoài. |
Nói về sự việc phá 2 thanh gỗ chắn ngang cửa sổ để tìm cháu P., anh Bốn cho biết, lúc người dân trong thôn có mặt đông đủ thì cháu P. không còn kêu rên nữa. Có thể vì do sợ đông người lớn tiếng gọi nên cháu P. không dám cất tiếng trả lời.
“Khi dùng xà beng phá thanh gỗ chắn ngang cửa sổ ra để tìm, tôi thực sự choáng váng vì thấy cháu ngồi co ro trong góc bàn.
Lúc nhìn thấy cháu, nhiều phụ nữ có mặt còn không cầm được nước mắt. Nhiều người thay nhau gọi, trấn an tinh thần để cháu đứng dậy đi ra nhưng bé vẫn tỏ vẻ sợ hãi, run rẩy khi thấy đông người.
Lực lượng Công an xã Giai Phạm và chính quyền địa phương lập biên bản xong phá cửa đưa cháu ra ngoài mà không ai cầm được nước mắt.
Cơ thể cháu bẩn cáu vào nhiều lớp như người cả năm không tắm, đầu tóc dính bết với máu, mùi hôi rất khó chịu. Bộ quàn áo cháu đang mặc bị rách hai đầu gối.
Giấy ra viện của cháu Vũ Thị P. |
Chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc với thầy trụ trì
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Ngỗng - Ủy viên thường vụ Ban chấp hành hội người cao tuổi xã Giai Phạm, Chi hội trưởng hội người cao tuổi thôn Lạc Cầu cho biết, khi nhận được tin báo của người dân, ông đã nhanh chóng có mặt.
Xuống đến hiện trường, ông Ngỗng cùng với chính quyền địa phương cùng kí vào biên bản phá khóa để đưa cháu P. ra ngoài.
Mặc dù đã nhiều tuổi và đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử nhưng chưa bao giờ ông Ngỗng thấy cháu bé nào đáng thương như cháu P. lúc đó.
"Sự việc cháu P. bị nhốt không phải là lần đầu tiên. Trước đó, cháu còn bị nhốt vào trong cống thoát nước của chùa. Khi mọi người đến phải kéo 2 chân, tay cháu rất mạnh mới đưa ra ngoài được.
Bản thân tôi và chính quyền địa phương đã đến làm việc với thầy trụ trì Thích Diệu Tĩnh 4 – 5 lần về hành động đánh đập cháu P., nhưng khi đến làm việc thì thầy không thừa nhận đánh cháu.
Có lần, thầy bảo cháu bị ngã vào tường, lần khác lại nói ngã vào cửa rồi đập đầu xuống đất… vì cháu bé là người của chùa nên chúng tôi rất khó xử lý.
|
Ông Phan Văn Ngỗng - Ủy viên thường vụ Ban chấp hành hội người cao tuổi xã Giai Phạm. |
Ông Ngỗng cũng cho biết thêm, thầy trụ trì Thích Diệu Tĩnh làm trụ trì chùa Thiên Tâm khoảng 7 – 8 năm nay. Trước đó, thầy là đệ tử của thầy Vân. Sau khi thầy Vân đi, thầy Thích Diệu Tĩnh lên làm trụ trì chùa Thiên Tâm.
Cháu Vũ Thị P. được thầy Thích Diệu Tĩnh đưa về nuôi khi mới hai tuổi. Tuy nhiên, trong thời gian nuôi dưỡng, cháu P. được gửi cho một thầy trụ trì khác chăm sóc và mới quay trở về chùa Thiên Tâm khoảng 2 – 3 năm trở lại đây.
Trên lưng cháu P. có rất nhiều vết thương cả mới và cũ. |
Cùng chung nhận xét với ông Ngỗng về cháu P., ông Nguyễn Văn Đoàn - Trưởng thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm cho biết: "Trong thời gian sinh sống ở chùa, cháu P. rất ngoan và chăm chỉ phụ giúp cho nhà chùa. Vì biết thân, biết phận nên cháu rất ngoan và nghe lời.
Chúng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc để mang lại công bằng cho cháu bé".
Sáng nay (15/10), trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Minh Hiền - Trưởng công an huyện Yên Mỹ cho biết, công an huyện này đã đưa cháu Vũ Thị P. lên Hà Nội để giám định về thương tích tại nơi Viện Khoa học Hình sự giới thiệu.