- Trước hết, có thể nhìn nhận định chung là vấn đề bạo lực đang có chiều hướng gia tăng, vụ việc phóng viên đi tác nghiệp bị đánh có tính chất nghiêm trọng bởi người có hành vi bạo lực gây ra tổn hại sức khỏe, tinh thần và tài sản cho phóng viên lại là công an, người thực thi pháp luật.
Nếu nói về công việc có thể thấy những người công an này họ không chuyên nghiệp. Khi xảy ra một sự kiện liên quan đến việc giữ gìn để khám nghiệm hiện trường, phục vụ điều tra thì họ phải có khoanh vùng như căng dây. Lực lượng công an đi xử lý các vụ việc có dấu hiệu hình sự phải luôn có sự chuẩn bị. Khi có vùng cấm thì người dân nói chung và phóng viên đến tác nghiệp sẽ hiểu đây là nơi không được vào.
Luật sư Trần Thu Nam. |
Bên cạnh đó việc Công an xuống hiện trường của một vụ việc cần phải mặc sắc phục cảnh sát. Ở vụ việc vừa qua khi người đàn ông mặc thường phục đuổi đánh phóng viên, người dân không biết đó là người thực thi công vụ hay côn đồ.
Theo dõi clip tôi thấy anh phóng viên báo Tuổi trẻ TP. HCM có nói rõ với những người mặc thường phục (là Cảnh sát hình sự huyện Đông Anh) anh là phóng viên đi tác nghiệp. Như vậy đây không phải là người dân hiếu kỳ, những cảnh sát đang có mặt tại đây cần phải có thái độ đúng mực, hướng dẫn cho các phóng viên chỗ đứng tác nghiệp để không làm ảnh hưởng tới hiện trường và giao thông trên cầu.
Hình ảnh phóng viên bị đánh lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội, nhưng đại diện Công an huyện Đông Anh vẫn cho rằng đó là "thái độ không đúng", đó có phải là thái độ chưa nghiêm túc trước sai phạm thưa ông?
- Họ vẫn coi là họ làm đúng, còn thái độ ứng xử của những người trong ảnh là chưa đúng mực. Qua đó có thể thấy họ chưa nhận thức được việc làm trên là vi phạm pháp luật một cách rất nghiêm trọng. Những bức ảnh được đăng tải trên báo nói là Công an đuổi đánh phóng viên khiến dư luận xã hội rất bức xúc, làm xấu đi hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân.
Vừa rồi Bộ trưởng Bộ Công an có nói tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, hôm nay cướp bánh mỳ, ngày mai sẽ cướp gì, ý nói hành vi rất đơn giản nhưng nếu không bị xử lý nghiêm minh nó sẽ ra sao. Là một công dân tôi cũng đặt vấn đề, hôm nay Công an đánh phóng viên, không bị xử lý nghiêm mai họ sẽ đánh ai. Hành vi đuổi đánh phóng viên của cán bộ Công an huyện Đông Anh cần phải được xử lý nghiêm, chứ không thể nói là "thái độ không đúng". Đánh người chảy cả máu mồm, đó là hành vi phạm pháp luật, coi thường sức khỏe người khác.
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, không phải là phóng viên mà người dân cũng có quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền đó phải được tôn trọng thưa LS?
- Đúng như vây. Ở ngành Công an có 5 lời thề danh dự, trong đó có lời thề: "Kính trọng, lễ phép với nhân dân, sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân". Đây là một trong những lời thề người công an được học trong trường và nó đi suốt cuộc đời công tác.
Tôi đặt vấn đề, trường hợp không phải phóng viên đến tác nghiệp mà là người dân bình thường đến hiện trường vụ việc, thì lực lượng Công an thực thi công vụ cũng phải tôn trọng họ. Phải lễ phép, hướng dẫn người dân rằng đây là hiện trường của vụ án chúng tôi đang phong tỏa, đang khám nghiệm, người dân không được vào đây, chứ không phải là thái độ thô lỗ, rồi dùng hành vi bạo lực.
Phóng viên Quang Thế - Báo Tuổi trẻ TP. HCM bị hành hung. |
Theo ông việc xử lý cán bộ Công an đánh phóng viên cần phải thực hiện thế nào để đảm bảo tính nghiêm minh?
- Có thể ngành Công an sẽ căn cứ vào việc đang thực thi công vụ, họ sẽ xử lý cán bộ Công an đã đánh phóng viên theo diện kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc xử phạt vi phạm hành chính vì vượt quá giới hạn trong thực thi công vụ. Còn liên quan đến xử lý trong ngành, cần phải có cách xử lý thỏa đáng phù hợp với tính chất của hành vi mà cán bộ đã gây ra, có như vậy dư luận mới chấp nhận.
Xin cảm ơn LS (!)
Theo Lương Kết (Dân Việt)