Con trai phi công vừa hy sinh quyết theo nghiệp bố

30/01/2015 10:44:25

"Bố rất thương gia đình, luôn động viên em cố gắng học hành. Bây giờ bố mất rồi, em phải cố gắng nhiều hơn để không phụ lòng mong đợi của bố", Tùng quả quyết.

"Bố rất thương gia đình, luôn động viên em cố gắng học hành. Bây giờ bố mất rồi, em phải cố gắng nhiều hơn để không phụ lòng mong đợi của bố", Tùng quả quyết.

Ông Dũng chia sẻ, mất mát này đối với gia đình ông quá lớn. Lúc xảy ra tai nạn, ông đang ở Phú Thọ chăm sóc bố.
 

Ông Nguyễn Hữu Dũng, bố của chiến sĩ Nguyễn Việt Cường. Ảnh: Lê Quân.

"Ông nội Cường bị ung thư dạ dày cũng sắp mất rồi. Nỗi đau chồng nỗi đau nhưng đau buồn nhất là cháu lại ra đi trước ông, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh…", ông Dũng than.

Bố của chàng phi công 26 tuổi cho hay, bữa cơm cuối cùng hai cha con gặp nhau là cách đây 16 ngày, lúc đó Cường đi hội thao rồi ghé nhà nghỉ phép. Cường khoe đã dành dụm được một ít tiền và đưa cho cha lo thuốc thang cho ông nội.

Theo ông Dũng, Cường là con út trong gia đình và mới tốt nghiệp năm 2012.

"Cháu nó đam mê nghề bay lắm dù biết là nguy hiểm nhưng nhất quyết không chọn nghề khác. Cường giấu cha mẹ khám tuyển phi công, khi biết cháu nó trúng tuyển gia đình mừng nhưng cũng canh cánh trong lòng, không ngờ sự lo lắng đó lại xảy ra thật", nói đến đây, giọng người cha nghẹn lại.

Trong khi đó, căn nhà nhỏ nằm sâu trong căn hẻm trên đường Thăng Long (quận Tân Bình, TP.HCM), nơi gia đình thượng tá Đỗ Văn Chính (quê huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) sinh sống bao trùm không khí tang thương. Vợ ông Chính ngất lên ngất xuống và liên tục gọi tên chồng.

Anh Đỗ Thanh Tùng (19 tuổi, con trai thượng tá Chính) mắt nhòe lệ khi nhắc đến bố. Tùng kể, khi đang ở trường, buổi trưa lên mạng đọc báo thấy tin trực thăng của đơn vị bố rơi, em hốt hoảng gọi cho bố nhưng không liên lạc được.

"Vội chạy về nhà em nhận được hung tin. Nỗi đau đến quá bất ngờ khiến em không dám tin đó là sự thật", mắt Tùng ngấn lệ.

Trong ký ức của chàng trai trẻ, bố Chính rất thương gia đình, luôn động viên con cố gắng học hành. Còn Tùng thì yêu thích công việc của bố nên đang có ý định thi vào trường không quân.

"Bây giờ bố mất rồi, em phải cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng mong đợi của bố", Tùng quả quyết.
 

Tùng rơm rớm nước mắt khi nói về người cha quá cố. Ảnh: Lê Quân.

Anh Cường, con rể và cũng là đồng đội cùng đơn vị với thượng tá Chính kể, theo kế hoạch thì sáng 28/1 đơn vị thực hiện bay đào tạo lên Tây Ninh. Máy bay của thượng tá Chính bay trước và đến nơi thì anh Cường mới bay sau. Song, vừa cất cánh vài phút thì chiếc máy bay bố vợ anh đột ngột mất liên lạc.

Theo anh Cường, cả trung đoàn ai cũng hy vọng máy bay chỉ đi lạc ở đâu đó, nhưng thấy lâu quá không thấy quay lại nên đơn vị tổ chức đội tìm kiếm và cử máy bay đi tìm.

"Đến trưa, nhận được tin báo của người dân xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh về một chiếc máy bay mất tích bất thường, trung đoàn liền cho trực thăng đến kiểm tra. Mọi người bàng hoàng khi nhìn thấy máy bay đã vỡ nát trong khu rừng tràm cùng thi thể 4 đồng đội, trong đó có cha tôi", người con rể của vị thượng tá vừa hy sinh chùng giọng.
 

Hiện trường vụ trực thăng rơi làm 4 quân nhân hy sinh.

Ông Đỗ Tiến Nhữ, anh trai thượng tá Chính cho hay, gia đình nhận được tin báo vào khoảng 12h trưa 28/1. Ông cùng một số người thân ở Hải Phòng tức tốc mua vé máy bay vào TP HCM.

"Biết là sinh lão bệnh tử, con người sinh ra rồi trở về với cát bụi nhưng cái chết của Chính đến bất ngờ quá khiến cả nhà ai cũng sốc, hụt hẫng", ông bùi ngùi.

Gia đình có 4 anh em, thượng tá Chính là con thứ 3. Tết năm nay, thượng tá Chính dự định đưa vợ con về quê thăm cha mẹ già.

"Cha mẹ tôi năm nay đã gần 90 cả rồi, lúc xảy ra chuyện cả nhà không ai dám nói cho ông bà biết sợ ông bà buồn. Nhưng biết không giấu mãi được nên sáng nay người thân cũng phải nói sự thật và động viên ông bà vượt qua nỗi đau", ông Nhữ rơm rớm nước mắt.

Trong mắt hàng xóm láng giềng, thượng tá Đỗ Văn Chính là người nhân hậu, sống rất có trách nhiệm và tình cảm nên mọi người ai cũng quý mến.

"Con gái Chính mới sinh cháu, mới tối hôm qua còn thấy anh ấy chơi với cháu đến tận khuya, vậy mà hôm nay anh ấy đã...", một người hàng xóm bùi ngùi.

7h23 sáng 28/1, máy bay UH-1 gồm 4 phi công cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất làm nhiệm vụ huấn luyện. Sau đó mất liên lạc với mặt đất vào lúc 7h30. Tới 11h máy bay được xác nhận đã rơi xuống ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP HCM. Bốn chiến sĩ trên máy bay đều hy sinh.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân cho hay, lễ viếng các chiến sĩ bắt đầu từ 7h30 đến 10h30 ngày 30/1 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TPHCM). Lễ truy điệu lúc 10h30 đến 11h cùng ngày. Ngay sau đó là lễ đưa tang.

Lễ đưa tang, lễ hỏa táng, lễ an táng tại Nghĩa trang Củ Chi, Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP.HCM) và nghĩa trang quê nhà.
 

Danh tính các sĩ quan, chiến sĩ hy sinh trong vụ rơi trực thăng:

1. Thượng tá Trần Văn Đức, Chủ nhiệm bay của Trung đoàn không quân 917

2. Lê Hồng Quân, thiếu tá, phi công kiêm dẫn đường trên không

3. Nguyễn Việt Cường, trung úy, phi công đang đào tạo lái chính

4. Đỗ Văn Chính, thượng tá quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên cơ giới trên không.
 
>> Vụ máy bay rơi: Cuộc điện thoại cuối cùng về nhà
>> Sẽ kiểm tra, rà soát toàn bộ máy bay UH – 1 hiện có
>> Ngày 30/1, làm lễ truy điệu 4 chiến sĩ hy sinh trong vụ rơi máy bay
>> Nước mắt nơi quê nhà sỹ quan tử nạn vụ trực thăng rơi
>> Vụ rơi máy bay: Con hy sinh khi cha mẹ ở quê đang chờ về ăn Tết
Theo Khắc Thành - Lê Quân (Zing.vn)

Nổi bật