Sự hỗn loạn tại điểm tiêm dịch vụ 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội) vào đêm Noel là đỉnh điểm của “cơn sốt” vắc-xin dịch vụ 5 trong 1. Nghịch lý là loại vắc-xin tương tự trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng vừa miễn phí, vừa đầy đủ thì lại bị người dân thờ ơ.
GS-TS Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư – Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), cho biết vắc-xin Quinvaxem (phòng 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và các bệnh do Hib) do Hàn Quốc sản xuất đang được sử dụng tại 94 nước trên toàn cầu, với khoảng 450 triệu liều/năm. Còn tại Việt Nam, Quinvaxem được Liên minh toàn cầu về Vắc-xin và tiêm chủng GAVI tài trợ từ năm 2010, mỗi năm sử dụng khoảng 4,5-5 triệu liều.
Trên thị trường Việt Nam đang lưu hành Pentaxim 5 trong 1 (sản xuất tại Pháp, phòng bệnh tương đương như Quinvaxem) và Infanrix Hexa 6 trong 1 (sản xuất tại Bỉ, phòng thêm bệnh viêm gan B). Giá thành của các loại vắc-xin này tại các điểm tiêm chủng dịch vụ dao động từ 700.000-800.000đồng/mũi tiêm.
GS Đức Anh cho biết, đây là hai loại vắc-xin có thành phần ho gà vô bào thuộc thế hệ vắc-xin cao hơn, trong khi đó vắc-xin Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào, chưa tinh khiết bằng.
PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo các nghiên cứu, thành phần ho gà toàn tế bào trong Quinvaxem dễ gây ra các phản ứng sau tiêm chủng hơn vắc-xin vô bào. Bao gồm các phản ứng: sốt, đau, sưng chỗ tiêm, quấy khóc. Các dấu hiệu này sẽ hết sau 1 ngày.
Tuy nhiên, theo WHO, tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem và các vắc-xin có thành phần vô bào kia là như nhau. Trong khi đó, tỷ lệ miễn dịch ở Quinvaxem lại cao hơn các vắc-xin vô bào khác.
TS Phu cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm là 4,5/1 triệu liều. Trong khi đó theo khuyến cáo của WHO và nhà sản xuất, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm cho phép là 20/1 triệu liều. Do số mũi Quinvaxem sử dụng hằng năm khoảng 4,5-5 triệu liều, trong khi vắc-xin dịch vụ chỉ 100.000-200.000 liều nên việc người dân hay gặp các ca phản ứng sau tiêm Quinvaxem là dễ hiểu.
Ưu tiên an toàn
TS Phu cho biết, từ tháng 1 đến tháng 11.2015, cả nước có 8 ca tử vong sau tiêm Quinvaxem. Hội đồng chuyên môn đã kết luận 7 ca tử vong trùng hợp và 1 ca sốc phản vệ. Ngoài ra còn có thêm 8 ca phản ứng nặng (sốt cao, co giật, tím tái) nhưng đều đã được cấp cứu kịp thời.
So sánh về tỷ lệ phản ứng sau tiêm đối với các vắc-xin khác, ông Phu cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, vắc-xin BCG phòng chống lao cho trẻ cũng đã có 6 ca tử vong sau tiêm, viêm gan B cũng có 5 ca tử vong. Nguyên nhân tử vong đều do bệnh lý trùng hợp hoặc không rõ.
“Do Quinvaxem tiêm tới 3 mũi, số lượng mũi rất lớn nên mọi người thường gặp các trường hợp phản ứng hơn so với vắc-xin khác nên tạo ra định kiến. Mỗi ngày Việt Nam có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi tử vong vì các bệnh lý hoặc không rõ nguyên nhân nên dễ xảy ra trường hợp tử vong do bệnh lý nhưng trùng hợp với thời điểm tiêm vắc-xin” – TS Phu phân tích.
Trước dư luận cho rằng, Việt Nam nghèo, thiếu tiền nên phải sử dụng vắc-xin thế hệ thấp, có tỷ lệ phản ứng cao, TS Phu khẳng định, Chính phủ và Bộ Y tế đặt yếu tố an toàn cho trẻ lên hàng đầu, giá chỉ là yếu tố thứ 2, thứ 3.
“Hiện nay các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế vẫn khẳng định sự ưu việt của Quinvaxem: đạt tiêu chuẩn, đảm bảo miễn dịch tốt, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm thấp hơn khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO. Vì thế, Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng Quinvaxem”, ông Phu nói.
TS Phu cho rằng thật đáng tiếc khi một số người lại có tâm lý cho rằng thứ miễn phí không tốt, mất tiền mới tốt nên hiểu sai về Quinvaxem.
Theo Diệu Linh (Dân Việt)