Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội trong 2 ngày (27-28/2).
Là nước chủ nhà tổ chức sự kiện, Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển - là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Khi cơn sốt thượng đỉnh Mỹ-Triều đã hạ nhiệt, có thể nhận thấy một số cái “nhất” và “lần đầu tiên” từ sự kiện này.
Chuẩn bị chỉ trong 1 tuần
Dù thời gian chuẩn bị rất ngắn, chỉ trong khoảng 2 tuần, nhưng các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng của Hà Nội, Lạng Sơn và các tỉnh liên quan đã phối hợp vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ.
Mọi công tác chuẩn bị được gấp rút triển khai từ an ninh, lễ tân, hậu cần, báo chí, trong đó có việc thiết lập Trung tâm báo chí quốc tế (IMC) chỉ trong khoảng 1 tuần.
Ngay từ ngày 16/2, các đơn vị đã chủ động phối hợp, trách nhiệm, làm việc 24/24h để chuẩn bị việc dàn dựng. Đến ngày 23/2, IMC đã được thực hiện hoàn tất và khai trương.
TP Hà Nội cũng gấp rút thực hiện nhiệm vụ trang trí đường phố, vệ sinh môi trường ở các tuyến phố, nơi diễn ra các cuộc gặp cấp cao và thăm chính thức của lãnh đạo các nước…
Cấp thị thực cho 2.600 phóng viên nhanh nhất
So với các hội nghị trước như APEC ở Đà Nẵng (hơn 1.000 phóng viên nước ngoài), WEF ASEAN… thì số lượng phóng viên quốc tế đăng ký đưa tin tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lên tới hơn 2.600 người và được cấp thị thực vào Việt Nam nhanh nhất.
Chạy đua thông tin quyết liệt
Đây là sự kiện ở Việt Nam được báo chí cả trong và ngoài nước quan tâm nhất, hầu hết các báo mạng và TV tường thuật trực tiếp.
Đây cũng là dịp để trao đổi nhiều kinh nghiệm nhất trong việc đưa tin một sự kiện hết sức kịch tính, cạnh tranh quyết liệt về tin tức trong bối cảnh mọi thông tin được giữ kín đến phút cuối.
Lần đầu họp báo lúc nửa đêm
Lần đầu tiên, một cuộc họp báo lúc 12h đêm của đoàn Triều Tiên tại khách sạn Melia với thời gian rất ngắn sau khi hội nghị kết thúc đầu giờ chiều hôm đó mà không có thỏa thuận nào được ký kết.
Lần đầu đón lãnh đạo đi tàu hỏa
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đón lãnh đạo một nước đến thăm bằng phương tiện tàu hoả. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã khởi hành từ ga tàu Bình Nhưỡng đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và đi ô tô về Hà Nội.
Không chỉ vậy, hội nghị còn đánh dấu việc lần đầu tiên có một Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam 2 lần trong một nhiệm kỳ và cũng lần đầu tiên Chủ tịch Kim Jong-un có chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất (cả thời gian đi về) kể từ khi nắm quyền.
Vị thế được nâng cao
Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn và đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế.
Còn nhớ năm 1997, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức hội nghị Pháp ngữ với sự tham dự của gần 50 nguyên thủ quốc gia. Từ công tác lễ tân, hậu cần, báo chí còn nhiều lúng túng lúc ban đầu, nhưng mọi việc đều thuận lợi.
Năm 2004, Việt Nam tổ chức hội nghị Á-Âu tại Hà Nội. Đến năm 2006, Việt Nam tổ chức hội nghị APEC với quy mô lớn, mọi hoạt động đều diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình.
Năm 2010, Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN với hàng trăm cuộc họp tổ chức tại Hà Nội và các địa phương khác. Và năm 2017, ta lại tổ chức tiếp APEC 2017 tại Đà Nẵng, với nhiều dấu ấn quan trọng.
Cứ qua mỗi hội nghị, năng lực tổ chức của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, vị thế đất nước ngày càng nâng cao.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội cũng là dịp để Việt Nam thể hiện tinh thần hiếu khách, năng lực kiến tạo hoà bình và vị thế đất nước. Điều này đã được chứng minh trong những ngày chuẩn bị và diễn ra sự kiện, để lại ấn tượng tốt đẹp không chỉ với Mỹ và Triều Tiên mà là cả cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Sự kiện này cũng là dịp quan trọng để Việt Nam có điều kiện giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, là cơ hội để đưa hình ảnh Việt Nam ra khắp thế giới.
Theo Quang Lương (VietNamNet)